Đoàn Việt Nam tham dự Hội nghị thường niên các quốc gia thành viên Tổ chức Cấm vũ khí hóa học lần thứ 25 tại The Hague, Hà Lan. (Nguồn: ĐSQ Việt Nam tại Hà Lan) |
Việt Nam là một trong những quốc gia chịu nhiều tổn thất do vũ khí hóa học gây ra. Riêng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, Việt Nam đã phải chịu 80 triệu lít chất độc hóa học, trong đó, 61% là chất độc màu da cam. Khoảng 4,8 triệu người Việt Nam bị phơi nhiễm, trong đó trên 3 triệu người là nạn nhân.
Trong bài phát biểu tại Hội nghị, Trưởng đoàn Việt Nam, Đại sứ Phạm Việt Anh nêu rõ: “Từng là một đất nước bị chiến tranh tàn phá, Việt Nam đồng cảm sâu sắc với những đau thương mất mát của các nạn nhân và lên án mạnh mẽ việc sử dụng vũ khí hóa học do bất kỳ ai, ở bất kỳ đâu, trong bất kỳ hoàn cảnh nào và vì bất cứ lý do gì. Việt Nam tái khẳng định cam kết mạnh mẽ đối với việc giải trừ, không phổ biến và cấm vũ khí hóa học một cách toàn diện, vì hòa bình và ổn định của thế giới.”
Hội nghị CSP 25 kiểm điểm lại hoạt động trong năm và ghi nhận hợp tác trong lĩnh vực giải trừ vũ khí hóa học đạt được những tiến triển thiết thực trong bối cảnh chưa từng có của đại dịch Covid 19. OPCW đã tổ chức được hơn 20 hoạt động dự án nâng cao năng lực cho khoảng 700 học viên quốc tế, tiến hành nhiều hoạt động thanh sát, hỗ trợ kỹ thuật cho các quốc gia.
Các thành viên đã đóng góp hơn 32 triệu Euro xây dựng Trung tâm Hóa học và Công nghệ OPCW (dự kiến sẽ khởi công trong năm tới). Hội nghị đã bỏ phiếu thông qua được ngân sách và chương trình hoạt động cho năm 2021.
Từ năm 2013, OPCW đã thống nhất lấy ngày 30/11 hàng năm là Ngày tưởng nhớ nạn nhân của vũ khí hóa học nhằm tưởng nhớ các nạn nhân và bày tỏ ý chí và quyết tâm của các quốc gia trong việc loại bỏ hoàn toàn vũ khí hóa học trên thế giới. Sự kiện này cũng đã được Liên hợp quốc công nhận là một trong những Ngày quốc tế nhằm nâng cao nhận thức về các vấn đề chung của nhân loại.
OPCW là tổ chức liên chính phủ được hình thành theo Công ước quốc tế về Cấm vũ khí hóa học 1997 (CWC), với mục tiêu phấn đấu xóa bỏ hoàn toàn và vĩnh viễn vũ khí hóa học vì an ninh, ổn định, giải trừ vũ khí và phát triển kinh tế toàn cầu. OPCW có 193 thành viên, chiếm 98% dân số toàn cầu và đến nay đã phá hủy được hơn 98% tổng số vũ khí hóa học được khai báo. Việt Nam là một trong những thành viên sáng lập, đã tham gia đàm phán xây dựng Công ước từ năm 1993 cho đến khi Công ước đi vào hiệu lực năm 1997. Từ đó đến nay, Việt Nam luôn tham gia tích cực và từng được bầu vào Hội đồng chấp hành của OPCW nhiệm kỳ 2016-2018. |