Trong khuôn khổ Khóa họp lần thứ 112 của Hội đồng Tổ chức Di cư quốc tế (IOM) từ ngày 29/11 - 1/12, Việt Nam đã tham dự Phiên họp cấp cao với chủ đề “Ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 đối với biên giới, di cư và di chuyển: bài học kinh nghiệm và chuẩn bị cho tương lai”
Phiên họp cấp cao nhằm mục đích đánh giá tác động của dịch bệnh Covid-19 đối với di cư quốc tế và xác định các giải pháp ứng phó hiệu quả với khủng hoảng tương tự trong tương lai. Đây cũng là phiên họp đặc biệt để kỷ niệm 70 năm thành lập IOM (ra đời năm 1951) và 5 năm IOM trở thành tổ chức thành viên của Liên hợp quốc.
Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn. (Ảnh: Tuấn Anh) |
Phát biểu tại Phiên họp (theo hình thức ghi hình), Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn khẳng định, trong suốt 70 năm vừa qua, IOM đã chứng tỏ vai trò dẫn dắt trong lĩnh vực di cư, có những đóng góp quan trọng đối với quá trình xây dựng, thông qua Thỏa thuận toàn cầu về Di cư hợp pháp an toàn và trật tự (Thỏa thuận GCM); ghi nhận vai trò điều phối, thư ký của IOM trong Mạng lưới của Liên hợp quốc về di cư nhằm hỗ trợ các nước thành viên triển khai Thỏa thuận GCM.
Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn cũng nhấn mạnh, IOM đã tích cực hỗ trợ Việt Nam nâng cao năng lực quản trị di cư và bảo vệ quyền của người di cư, nhất là trong triển khai các cam kết của Thỏa thuận GCM trong thời gian dịch bệnh Covid-19.
Trước những tác động hết sức trầm trọng của Covid-19 trong gần hai năm qua đối với tất cả các lĩnh vực bao gồm di cư quốc tế, như người di cư bị mất việc làm, mắc kẹt, bị nhiễm Covid-19, tăng nguy cơ di cư thiếu an toàn..., Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn cho rằng, cần tăng cường các hành động tập thể để cùng giải quyết và đề xuất một số giải pháp nhằm chuẩn bị cho tương lai của di cư quốc tế như: tăng cường quản lý biên giới nhưng phải hài hòa hóa các biện pháp y tế xuyên biên giới để thúc đẩy di cư an toàn và bảo đảm sức khỏe người di cư; tăng cường phối hợp trong quản trị di cư nhằm ứng phó hiệu quả với các chiều hướng di cư; và xây dựng các kế hoạch dự phòng khả thi để chủ động bảo vệ quyền của người di cư và kịp thời giải quyết các vấn đề di cư.
Phiên họp cấp cao do Tổng Giám đốc IOM António Vitorino chủ trì điều hành. Phát biểu tại phiên khai mạc, Tổng Giám đốc IOM cho rằng, di cư trong tương lai cần phải an toàn và dễ dự đoán, kêu gọi các nước thành viên hợp tác để bảo đảm những biện pháp ứng phó với Covid-19 không làm trầm trọng thêm sự bất bình đẳng trong dịch chuyển, đồng thời cho rằng, cộng đồng quốc tế cần bảo đảm y tế công cộng đối với dịch chuyển xuyên biên giới và tạo thuận lợi cho đi lại theo hướng du khách, bao gồm người di cư được đi lại với chi phí hợp lý và theo các tiêu chí nhập cảnh có kiểm soát.
Cùng với Việt Nam, trong phiên khai mạc của Phiên họp cấp cao, có 47 nước thành viên khác tham gia phát biểu (Tổng thống Philippines, Tổng thống Colombia, Quốc vụ khanh Vatican, Bộ trưởng Bộ An ninh Nội địa Mỹ…), trong đó đều ghi nhận nỗ lực và vai trò của IOM đối với quản trị di cư toàn cầu nhằm thúc đẩy di cư hợp pháp, an toàn và trật tự.
IOM được thành lập năm 1951 và trở thành Cơ quan của Liên hợp quốc về di cư từ năm 2016. Đến nay, IOM có 174 quốc gia thành viên và 08 nước quan sát viên, hoạt động tại hơn 100 quốc gia. Hiện IOM là cơ quan điều phối của Mạng lưới di cư của Liên hợp quốc để rà soát việc triển khai Thỏa thuận toàn cầu về Di cư hợp pháp, an toàn và trật tự (Việt Nam thông qua vào tháng 12/2018 và ban hành Kế hoạch triển khai vào tháng 3/2020). Việt Nam trở thành thành viên thứ 122 vào tháng 11/2007 tại Phiên họp Hội đồng IOM lần thứ 94 tại Geneva, Thụy Sỹ. Hai bên ký kết Hiệp định hợp tác giữa Chính phủ Việt Nam và IOM vào năm 2010. |