Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 75 họp toàn thể về đại dương và luật biển. |
Đại diện của 35 nước và nhóm nước đã phát biểu tại phiên họp có sự tham dự của tất cả các thành viên Liên hợp quốc.
Ý kiến phát biểu của các nước đề cao giá trị phổ quát, nhất quán và toàn diện của Công ước Luật biển, nêu bật tầm quan trọng của Công ước là khuôn khổ pháp lý quốc tế điều chỉnh tất cả các hoạt động trên biển và đại dương.
Các nước đề cập nhiều về tác động của đại dịch Covid-19 đến các hoạt động của Liên hợp quốc và các cơ quan trong lĩnh vực đại dương và luật biển trong năm 2020, đến các quyền cơ bản của người đi biển, khẳng định cam kết thúc đẩy thương lượng văn kiện pháp lý ràng buộc về đa dạng sinh học ngoài vùng quyền tài phán quốc gia, hệ quả pháp lý của vấn đề nước biển dâng và về thúc đẩy phát triển kinh tế biển, bảo tồn tài nguyên biển nhằm đóng góp vào thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững.
Đặc biệt, các nước Hoa Kỳ, Anh, Đức, Nhật Bản, Australia công khai đề cập vấn đề tranh chấp ở Biển Đông, bày tỏ quan ngại về các yêu sách pháp lý tại Biển Đông, khẳng định việc xác lập các yêu sách về quyền lịch sử và yêu sách lịch sử đối với tài nguyên biển, xác định đường cơ sở thẳng quần đảo và chế định các đảo phải phù hợp với Công ước Luật biển, nhấn mạnh yêu cầu bảo đảm quyền tự do hàng hải trên Biển Đông và nghĩa vụ giải quyết hòa bình các tranh chấp quốc tế phù hợp với Công ước Liên hợp quốc về Luật biển.
Đại sứ Đặng Đình Quý, Trưởng Phái đoàn Việt Nam tại Liên hợp quốc phát biểu tại cuộc họp. |
Phát biểu tại phiên họp, Đại sứ Đặng Đình Quý, Trưởng Phái đoàn Việt Nam tại Liên hợp quốc, khẳng định Việt Nam đề cao giá trị phổ quát, nhất quán và toàn diện của Công ước Liên hợp quốc về Luật biển, đánh giá cao đóng góp của các cơ quan được thành lập theo Công ước trong thúc đẩy trật tự pháp lý trên biển, bày tỏ ủng hộ Đại hội đồng xem xét tạo điều kiện cho các thành viên của Ủy ban Ranh giới thềm lục địa làm việc từ xa với điều kiện bảo mật, an ninh,
Đại sứ Đặng Đình Quý hoan nghênh Báo cáo Đánh giá môi trường biển toàn cầu lần thứ hai đã khẳng định các nước phải thực thi đầy đủ nghĩa vụ về bảo vệ môi trường biển phù hợp với Công ước Luật biển.
Liên quan đến tình hình Biển Đông, Đại sứ Đặng Đình Quý khẳng định lập trường nhất quán của Việt Nam là mọi tranh chấp phải được giải quyết thông qua các biện pháp hòa bình, trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Luật biển, tôn trọng các tiến trình ngoại giao và pháp lý, không sử dụng vũ lực và đe dọa sử dụng vũ lực.
Đại sứ Đặng Đình Quý bày tỏ quan ngại về một số sự kiện diễn ra gần đây tại Biển Đông, xâm phạm nghiêm trọng quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam, kêu gọi các bên liên quan kiềm chế, không quân sự hóa hoặc tiến hành các hoạt động làm phức tạp tình hình, gia tăng tranh chấp, ảnh hưởng đến an toàn, an ninh hàng hải và hàng không tại Biển Đông, đe dọa hòa bình và ổn định trong khu vực, thực hiện đầy đủ Tuyên bố chung về ứng xử giữa các bên ở biển Đông (DOC) và sớm hoàn thiện Bộ Quy tắc ứng xử (COC) có nội dung thực chất và có hiệu lực, phù hợp với Công ước Luật biển.
Kết thúc phiên họp, Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 75 đã đồng thuận thông qua Nghị quyết thường niên về Nghề cá bền vững. Nghị quyết thường niên tổng hợp về đại dương và Luật biển được hoãn xem xét sau để hoàn thành các thủ tục đánh giá tác động về kinh phí, ngân sách.