Là nước phương Tây đầu tiên thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam (11/1/1969), trong suốt 50 năm qua, Thụy Điển đã có nhiều hỗ trợ về cả vật chất và tinh thần cho Việt Nam trong quá trình đấu tranh giành độc lập dân tộc và xây dựng đất nước.
Người bạn từ gian khó
Nhìn tổng thể mối quan hệ Việt Nam – Thụy Điển, Đại sứ Đoàn Thị Phương Dung cho rằng, điểm nổi bật nhất trong lịch sử quan hệ hai nước chính là sự giúp đỡ nghĩa tình, hào hiệp mà đất nước và người dân Thụy Điển dành cho Việt Nam trong thời kỳ chiến tranh, vì hòa bình, độc lập của một dân tộc.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân (bên phải) chào xã giao Công chúa kế vị Thụy Điển trong chuyến thăm Thụy Điển, tháng 4/2017 (ảnh File/TGVN) |
“Cùng với những khoản viện trợ về vật chất rất thiết thực, những người bạn Thụy Điển với tấm lòng nhân hậu, đồng cảm, nhiệt thành đã lên tiếng vì hoà bình, độc lập cho một dân tộc nơi xa xôi; đã dành thời gian, cuộc đời, công sức, kinh nghiệm, chuyên môn đến tận nơi, lặn lội tới những vùng hẻo lánh giúp xây dựng nhà máy, bệnh viện, giúp xóa đói giảm nghèo…”. Đó là những giúp đỡ chí tình, nghĩa cử hào hiệp, đặc biệt lại đến từ một nước phương Tây xa cách với Việt Nam, Đại sứ Dung nhớ lại.
Theo Đại sứ, tình cảm và sự giúp đỡ chân tình của những người bạn Thụy Điển dành cho nhân dân Việt Nam từ những ngày đầu gian khó vẫn luôn được đất nước và người dân Việt Nam ghi nhớ, trân trọng, gìn giữ như một tài sản vô giá, một vốn quý của quan hệ truyền thống, hữu nghị giữa hai nước.
“Các bạn Thụy Điển hẳn cũng hài lòng khi thấy sự giúp đỡ đó của các bạn đối với Việt Nam, cả trong chiến tranh, trong xây dựng và phát triển đã không hề uổng phí. Một mối quan hệ với bề dầy lịch sử, dựa trên sự tin cậy, chân thành là nền tảng vững chắc để hai bên tiếp tục phát triển quan hệ đối tác hợp tác trong tương lai”, Đại sứ Dung khẳng định.
Bình đẳng, cùng có lợi
Sau chặng đường nửa thế kỷ hợp tác, Đại sứ nhận định, quan hệ hai nước đang bước vào thời kỳ mới, chuyển từ hỗ trợ phát triển sang đối tác hợp tác bình đẳng cùng có lợi.
Đại sứ Phương Dung cho biết, “quan hệ hợp tác giữa hai nước trong lĩnh vực kinh tế, thương mại hiện đang phát triển tích cực. Nhiều tập đoàn, công ty Thụy Điển đã bắt đầu quan tâm hơn đến thị trường năng động của Việt Nam. Kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Thụy Điển tăng trưởng đều đặn, đạt khoảng 1 tỷ USD trong năm 2017 là con số không nhỏ nếu nhìn vào quy mô thị trường của bạn chỉ với 10 triệu dân”, Đại sứ so sánh.
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh và Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Thụy Điển Margot Wallström trong chuyến thăm tới Việt Nam, tháng 11/2017 (ảnh File/TGVN) |
Khi được hỏi liệu mối quan hệ hợp tác kinh tế giữa hai bên có phần “khiêm tốn” so với bề dày 50 năm của mối quan hệ chính trị, Đại sứ chia sẻ một cách nhìn khác. Đại sứ cho biết: “Tôi nghĩ rằng, có lẽ chúng ta không nên nhìn vào quan hệ hai nước theo cách “chính trị tốt, kinh tế chưa tương xứng”. Bởi bên cạnh các chỉ số kinh tế, vấn đề chính trong câu chuyện hợp tác hiện nay là nhìn vào thế mạnh về cách thức quản lý, vận hành nền kinh tế, ứng dụng công nghệ trong phát triển kinh tế xanh, sạch của Thụy Điển để học tập. Như vậy còn rất nhiều dư địa để Việt Nam có thể học hỏi bạn, đó cũng chính là điều mà Việt Nam cần trong bối cảnh phát triển hiện nay”.
Việt Nam đang bứt phá trong phát triển kinh tế, đang muốn hợp tác, học hỏi kinh nghiệp từ những tập đoàn công nghệ hàng đầu để bắt nhịp được với cuộc cách mạng công nghiệp mới, trong khi Thụy Điển lại đang sở hữu rất nhiều tập đoàn đa quốc gia có tên tuổi như Ericsson, ABB, Electrolux, IKEA, Husqvarna, H&M, Tetra pak... Bên cạnh đó, chính sự ưu việt trong vận hành nền kinh tế, sự minh bạch trong quản lý mọi mặt của đời sống kinh tế, xã hội và khả năng liên tục đổi mới sáng tạo của bạn đã tạo nên những công ty tên tuổi hàng đầu thế giới. Đó là cái Việt Nam đang rất cần cho giai đoạn phát triển mới của đất nước hiện nay, nữ Đại sứ chia sẻ.
Bên cạnh đó, Đại sứ cũng mong muốn “được nhìn thấy nhiều hơn hàng hóa, sản phẩm chất lượng của Thụy Điển tại thị trường Việt Nam trong tương lai gần. Điều đó có nghĩa kinh tế Việt Nam lớn mạnh, "chịu được" giá thành để tiếp cận những sản phẩm chất lượng tốt, bền, có hàm lượng công nghệ cao, thân thiện môi trường như của Thụy Điển”.
Nhận định về cơ hội và triển vọng hợp tác kinh tế, thương mại giữa hai bên trong thời gian tới, Đại sứ Đoàn Thị Phương Dung bày tỏ: “Tôi mong rằng với nỗ lực của các bên, Hiệp định EVFTA sẽ sớm được ký và phê chuẩn. Việt Nam và Thụy Điển đều ủng hộ tự do thương mại, coi đó là cách để thúc đẩy đổi mới, sáng tạo, tăng năng lực cạnh tranh. Hiệp định được ký kết và có hiệu lực sẽ tạo điều kiện hơn nữa thúc đẩy giao thương hai nước”.
Đại sứ Đoàn Thị Phương Dung mong muốn hai nước tiếp tục có những hợp tác như cải cách thể chế, y tế, giáo dục, du lịch, văn hóa, nghệ thuật… những lĩnh vực mà trong nhiều năm qua, Thụy Điển đã dành nhiều tài trợ hợp tác phát triển. Trong năm 2017, Việt Nam đã đón trên 44.000 lượt du khách Thụy Điển, cao hơn rất nhiều so với 37.000 lượt vào năm 2016. Việt Nam đã áp dụng miễn thị thực đơn phương cho công dân Thụy Điển đến Việt Nam, mở đường bay thuê bao hàng tuần từ Stockholm tới Phú Quốc...
Đại sứ Đoàn Thị Phương Dung và Bộ trưởng Ngoại giao Thụy Điển Margot Wallström (Nguồn: ĐSQ Việt Nam tại Thụy Điển) |
Cùng nhau nhìn lại
Về các hoạt động kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam – Thụy Điển, Đại sứ Đoàn Thị Phương Dung cho rằng, đây sẽ là dấu mốc quan trọng để hai nước cùng nhau nhìn lại quá trình phát triển quan hệ song phương. Với Việt Nam, đó là sự tri ân về những đóng góp to lớn mà Thụy Điển đã dành cho Việt Nam trong nửa thế kỷ qua. Đồng thời, đây cũng là dịp để tạo đà tiếp tục thúc đẩy mạnh mẽ mối quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác nhiều mặt giữa hai nước thông qua các chuyến thăm, các hợp tác cụ thể, thực chất tiến tới thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược ngành trong một số lĩnh vực như giáo dục-đào tạo, khoa học đời sống, y tế và môi trường. “Tôi tin rằng các bạn Thụy Điển vẫn luôn sẵn lòng hỗ trợ giúp đỡ khi chúng ta muốn học hỏi, sẵn sàng hợp tác trong các lĩnh vực mà bạn có thế mạnh mà ta đang có nhu cầu”, Đại sứ tin tưởng.
Đại sứ Đoàn Thị Phương Dung cho biết, để đánh dấu chặng đường 50 năm phát triển quan hệ giữa hai nước, Đại sứ quán Thụy Điển tại Việt Nam cũng như Đại sứ quán Việt Nam tại Thụy Điển sẽ cùng phối hợp chặt chẽ để tổ chức nhiều hoạt động xuyên suốt trong cả năm. Tại Thụy Điển, ngày 15/1 tới, Đại sứ quán Việt Nam sẽ tổ chức Lễ kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao với sự tham gia của đoàn biểu diễn nghệ thuật từ Việt Nam, mở đầu cho nhiều hoạt động kỷ niệm trong cả năm như triển lãm tranh, ảnh, giới thiệu phim, ẩm thực, diễn đàn doanh nghiệp…”. Giao lưu văn hóa - nghệ thuật chính là cầu nối quan trọng để tiếp tục quảng bá hình ảnh, tăng cường hiểu biết giữa nhân dân hai nước để từ đó thúc đẩy phát triển thương mại, đầu tư và du lịch, Đại sứ Đoàn Thị Phương Dung chia sẻ.
Đại sứ Thụy Điển tại Việt Nam Pereric Högberg Hiện đang có 4 lĩnh vực tiềm năng mà các doanh nghiệp Thụy Điển mong muốn đầu tư vào Việt Nam. Thứ nhất là chế tạo, chế xuất các sản phẩm và các hàng hóa có hàm lượng kỹ thuật cao thông qua ABB, Tetra Park và Electrolux. Thứ hai, đầu tư vào các lĩnh vực và tập đoàn bán lẻ vì các sản phẩm Thụy Điển có chất lượng cao, giá cả có thể cao hơn nhưng hợp lý hơn các sản phẩm cùng loại. Thứ ba, các doanh nghiệp Thụy Điển mong muốn đầu tư vào các quỹ đầu tư và mô hình trường học nơi mà họ có thể chia sẻ được phương thức quản lý và giá trị của Thụy Điển như là đổi mới sáng tạo và phát triển bền vững. Cuối cùng, đầu tư vào du lịch. |