Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh ký Hiệp ước Cấm vũ khí hạt nhân tại Trụ sở Liên hợp quốc, New York, Mỹ, ngày 22/9/2017. |
Trong Khai báo quốc gia gửi tới Tổng Thư ký Liên hợp quốc theo quy định tại Điều 2 của Hiệp ước Cấm vũ khí hạt nhân, Việt Nam khẳng định chưa bao giờ sở hữu, tàng trữ hoặc kiểm soát vũ khí hạt nhân hoặc thiết bị nổ hạt nhân, và không có vũ khí hạt nhân hoặc thiết bị nổ hạt nhân do quốc gia khác sở hữu, tàng trữ hoặc kiểm soát trên lãnh thổ hoặc bất kỳ nơi nào thuộc phạm vi tài phán hoặc kiểm soát của Việt Nam.
Hiệp ước Cấm vũ khí hạt nhân (TPNW) chính thức có hiệu lực kể từ ngày 22/1/2021, với 52 quốc gia phê chuẩn và 88 quốc gia ký kết. Hiệp ước được thông qua tại Hội nghị Liên hợp quốc đàm phán văn kiện pháp lý ràng buộc về cấm và hướng tới loại trừ hoàn toàn vũ khí hạt nhân tổ chức tại New York (Mỹ) từ ngày 15/6-7/7/2017.
Trên cơ sở lập trường nhất quán ủng hộ các nỗ lực quốc tế về chống phổ biến, tiến tới giải trừ hoàn toàn và triệt để vũ khí hạt nhân và tôn trọng quyền sử dụng năng lượng nguyên tử vì mục đích hòa bình của quốc gia, Việt Nam đã tích cực đàm phán, thương lượng xây dựng Hiệp ước Cấm vũ khí hạt nhân từ năm 2017 và là nước thứ 10 phê chuẩn Hiệp ước này vào ngày 16/05/2018.
Việc Việt Nam phê chuẩn và thực thi các quy định của Hiệp ước Cấm vũ khí hạt nhân từ sớm đã thể hiện sự tham gia, đóng góp có trách nhiệm của Việt Nam đối với công việc của cộng đồng quốc tế và là bước đi thiết thực góp phần thúc đẩy triển khai hiệu quả Hiệp ước, góp phần củng cố các khuôn khổ pháp lý, cơ chế quốc tế về chống phổ biến, giải trừ quân bị hiện nay.
TPNW là hiệp ước về giải trừ vũ khí hạt nhân đa phương đầu tiên có hiệu lực kể từ năm 1990 đến nay. TPNW là văn kiện có ý nghĩa quan trọng, lần đầu tiên trong lịch sử đặt ra nghĩa vụ ràng buộc về pháp lý toàn diện đối với các quốc gia thành viên về việc cấm hoàn toàn sở hữu, phát triển, tàng trữ, sử dụng vũ khí hạt nhân. Sự ra đời của Hiệp ước thể hiện nguyện vọng chung của nhân loại về một thế giới hòa bình, không còn vũ khí hạt nhân, góp phần củng cố thể chế toàn cầu về chống phổ biến, giải trừ quân bị. |