📞

Việt Nam trở lại nhóm các quốc gia thiếu I-ốt ở mức báo động

08:30 | 12/06/2018
Thiếu hụt I ốt chính là nguyên nhân dẫn đến khả năng mất trí tuệ ở trẻ em, gia tăng tình trạng thai chết lưu và sảy thai ở sản phụ. Việt Nam nằm trong nhóm 19 quốc gia trên thế giới thiếu I ốt ở mức báo động.

Đó là thông tin được đưa ra tại “Hội thảo tập huấn vai trò của báo chí truyền thông phòng chống thiếu hụt vi chất dinh dưỡng” do Liên hiệp Các tổ chức khoa học và kỹ thuật Việt Nam, phối hợp với Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) tổ chức ngày 11/.6. Hội thảo nhằm cung cấp thông tin, vai trò của vi chất dinh dưỡng với sức khoẻ, cũng như những vấn đề thực thi tại Việt Nam.

Đại diện Mạng lưới I ốt toàn cầu - bà Karen Codling thuyết trình tại Hội thảo. (Ảnh: MH)

Tại Hội thảo, bà Karen Codling, đại diện Mạng lưới I ốt toàn cầu cho biết: “Theo nghiên cứu, bên cạnh tình trạng thiếu I ốt, thiếu vi chất dinh dưỡng như sắt, kẽm, canxi, axit folic tương đối phổ biến trong cộng đồng người Việt. Trong đó, phụ nữ và trẻ em là đối tượng chịu ảnh hưởng trực tiếp nhất, đặc biệt là ở phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ, phụ nữ có thai và trẻ em dưới 5 tuổi.

Theo thống kê của Viện Dinh dưỡng, tại Việt Nam, việc thiếu hụt kẽm ở trẻ em rất cao (khoảng 82%), phụ nữ trong độ tuổi sinh sản (65%) và đặc biệt là phụ nữ mang thai là 90%.

Thiếu sắt làm tăng nguy cơ tử vong của người mẹ, phát triển thai nhi kém, suy yếu phát triển nhận thức, vận động ở trẻ em cũng như giảm năng suất lao động ở người lớn. Thiếu kẽm làm tăng tỷ lệ mắc tiêu chảy, nguy cơ nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính và tử vong trẻ em.

Phụ nữ mang thai bị thiếu I ốt dễ bị sẩy thai, sinh non, thai chết. Trẻ nhỏ bị thiếu I ốt sẽ tăng nguy cơ chậm phát triển về trí tuệ, hạn chế sự phát triển về chiều cao, cân nặng, suy dinh dưỡng.

Toàn cảnh buổi Hội thảo. (Ảnh: MH)

Phát biểu tại hội thảo, ông Friday Nwaigwe, Trưởng phòng Vì sự sống còn và phát triển của trẻ em (UNICEF) cho hay: “Nghị định 09/2016 được ban hành trên cơ sở các bằng chứng khoa học về việc cần phải hành động để giải quyết vấn đề thiếu vi chất dinh dưỡng nghiêm trọng của người Việt. Người dân nên bổ sung I ốt vào thực phẩm ăn hàng ngày. Các doanh nghiệp sản xuất thực phẩm cũng nên bổ sung I ốt, nếu không, trong tương lai, sẽ ảnh hưởng đến đến sự phát triển tầm vóc, trí tuệ, làm giảm kết quả học tập, năng suất lao động, gây nhiều thiệt hại đến nền kinh tế đất nước.”

Hội thảo cũng chỉ ra rằng, Chương trình phòng chống rối loạn thiếu I ốt từ năm 1994 đến năm 2005 của Việt Nam đã mang lại nhiều kết quả tích cực. Việc đưa I ốt vào toàn bộ muối cho người dân đạt hiệu quả cao. Hơn 90% các hộ gia đình Việt Nam đã được sử dụng muối i ốt đầy đủ trong giai đoạn 2005-2006, giúp giảm tỷ lệ bệnh bướu cổ của trẻ em và tăng tỷ lệ i ốt trong cơ thể người Việt Nam trên mức tối thiểu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).

Tuy nhiên, kết quả khả quan này đã không được duy trì, kể từ khi Chương trình Quốc gia Phòng chống các rối loạn do thiếu I ốt bị rút khỏi chương trình Mục tiêu Quốc gia về Y tế vào năm 2005. Khi việc thúc đẩy và hỗ trợ pháp lý cho muối tăng cường I ốt và các hoạt động liên quan ngừng lại, chuyển sang sử dụng tự nguyện, sự thiếu hụt I ốt đã trở lại cộng đồng.

Việc tăng cường vi chất dinh dưỡng như sắt, kẽm, canxi, axit folic vào bột mì đã quen thuộc ở nhiều quốc gia phát triển và góp phần làm giảm đáng kể tình trạng thiếu máu, khuyết tật ống thần kinh ở trẻ sơ sinh. Như ở Mỹ, Canada, Chile đã có quy định bắt buộc phải bổ sung axit folic vào bột mì.

Ở Việt Nam, Nghị định 09/2016 của Chính phủ cũng quy định bắt buộc tăng cường vi chất dinh dưỡng vào muối, bột mì, dầu ăn và sử dung muối I-ốt và bột mì đã bố sung vi chất trong chế biến thực phẩm. 

Tuy nhiên, ông Friday Nwaigwe cũng chỉ rõ, cho đến nay Nghị định 09/2016 chưa được thực hiện mạnh mẽ sau hơn hai năm ra đời, cho dù tăng cường vi chất vào thực phẩm, bao gồm cả việc sử dụng nguyên liệu đã được bổ sung vi chất trong chế biến thực phẩm, vốn là một xu hướng toàn cầu, không gây ra tác động bất lợi nào lên thành phẩm cũng như hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

“Điều này cho thấy cần sự vào cuộc hơn nữa của cơ quan chức năng, đơn vị truyền thông để thúc đẩy việc thực thi quy định, tăng sự hiểu biết về tác dụng của vi chất cũng như những yêu cầu về sản phẩm của người dân” - Trưởng phòng Vì sự sống còn và phát triển của trẻ em (UNICEF) khuyến cáo.