Nhỏ Bình thường Lớn

Việt Nam trong Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc: Đối tác vì một nền hoà bình bền vững

Việt Nam có kinh nghiệm của nhiệm kỳ thành viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) năm 2008-2009 và có kinh nghiệm trong các hoạt động quốc tế. Việt Nam cũng có đội ngũ cán bộ đã được rèn luyện ở các Bộ, ngành, địa phương. Do vậy, chắc chắn khi ứng cử làm thành viên không thường trực HĐBA nhiệm kỳ 2020-2021, Việt Nam có năng lực tốt hơn so với nhiệm kỳ trước.
TIN LIÊN QUAN
viet nam trong hoi dong bao an lien hop quoc doi tac vi mot nen hoa binh ben vung Tọa đàm định hướng xây dựng đường lối chính sách đối ngoại Đại hội XIII
viet nam trong hoi dong bao an lien hop quoc doi tac vi mot nen hoa binh ben vung Việt Nam trong Hội đồng Bảo an: đối tác vì nền hoà bình bền vững

Thứ trưởng Ngoại giao Lê Hoài Trung đã nhấn mạnh như vậy khi chia sẻ với TG&VN bên lề Hội thảo quốc tế “Việt Nam trong Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc: Đối tác vì một nền hoà bình bền vững” được tổ chức vừa qua tại Hà Nội.

Đã một thập kỷ qua đi, xin Thứ trưởng đánh giá những kinh nghiệm, bài học mà Việt Nam có được khi tham gia HĐBA nhiệm kỳ 2008-2009?

Xuất phát từ mong muốn trở thành thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, cũng như nhu cầu hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng của Việt Nam, Việt Nam lần đầu tiên tham gia đảm nhận vai trò Ủy viên không thường trực HĐBA nhiệm kỳ 2008-2009. Việt Nam đã có nhiều đóng góp thực chất, tích cực, để lại những dấu ấn. Việt Nam cũng đưa ra sáng kiến về việc tham vấn với các thành viên LHQ để xây dựng Báo cáo hàng năm của HĐBA thực chất, toàn diện hơn. Sáng kiến này được các nước đánh giá cao và tiếp tục áp dụng thực hiện trong những năm sau đó.

viet nam trong hoi dong bao an lien hop quoc doi tac vi mot nen hoa binh ben vung
Thứ trưởng Lê Hoài Trung trả lời báo chí bên lề Hội thảo. (Ảnh: Nguyễn Hồng)

Việt Nam tham gia vào HĐBA đúng vào dịp Tết năm 2008. Việt Nam phải bỏ phiếu ngay về vấn đề liên quan tới cấm vận Iran. Đây là vấn đề rất phức tạp liên quan tới các nước lớn, các đối tác có quan hệ truyền thống với Việt Nam. Ngoài những vấn đề chính trị, Việt Nam cũng cần nắm được các vấn đề kỹ thuật, do vậy, chúng tôi đã trao đổi với các cơ quan chức năng, trong đó có cơ quan năng lượng nguyên tử quốc gia để đánh giá về tiềm năng hạt nhân thực sự của Iran. Khi đó, Việt Nam quyết định vấn đề dựa trên phương châm tham gia HĐBA với tinh thần trách nhiệm trước cộng đồng quốc tế và phù hợp với luật pháp quốc tế. Sự kiện này đã giúp chúng tôi đúc rút ra được những kinh nghiệm quý báu sau này.

Có thể thấy, Việt Nam ban đầu tham gia HĐBA cũng tồn tại những lo ngại nhưng qua quá trình tham gia, các quốc gia hiểu Việt Nam hơn rất nhiều. Hiểu Việt Nam là quốc gia có trách nhiệm, có quan điểm thực sự đồng với đại đa số quốc gia trên những vấn đề nhạy cảm. Bên cạnh đó, Việt Nam có được năng lực vươn lên, đóng góp, tham gia vào các hoạt động chung. Với số lượng lớn cuộc họp tại HĐBA, Việt Nam không vắng mặt bất cứ một cuộc nào. Ngành đối ngoại của Việt Nam qua đó trưởng thành hơn rất nhiều, tạo dựng một cơ chế hoạch định chính sách liên ngành vừa đảm bảo được thời gian vừa có được ý kiến ở cấp thẩm quyền cao nhất. Việt Nam đã hết sức nỗ lực và được quốc tế đánh giá cao.

Ý nghĩa việc Việt Nam tiếp tục ứng cử làm thành viên không thường trực HĐBA nhiệm kỳ 2020-2021 là gì, thưa Thứ trưởng?

Ngay sau khi kết thúc nhiệm kỳ 2008-2009, Việt Nam tiếp tục ứng cử làm thành viên không thường trực HĐBA nhiệm kỳ 2020-2021. Lần này, chúng tôi cũng xác định việc Việt Nam ứng cử vào HĐBA tiếp tục khẳng định chủ trương của Việt Nam là trở thành thành viên tích cực, đối tác tin cậy và có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế; đồng thời là cơ hội để Việt Nam có thể đóng góp xây dựng tại cơ chế có tầm quan trọng chiến lược đối với hòa bình, an ninh quốc tế này, góp phần đảm bảo hòa bình, ổn định và phát triển ở khu vực và trên thế giới.

Chúng ta đều nhận thấy rằng thế giới đang thay đổi, trong đó có sự thay đổi của các thể chế đa phương, các quốc gia dù lớn hay nhỏ cũng cần có trách nhiệm đóng góp tích cực nhất cho hòa bình, an ninh, hợp tác, phát triển và vì lợi ích chung của tất cả các dân tộc, các quốc gia trên thế giới. Lần này, Việt Nam tham gia HĐBA cũng ý thức là tham gia với tư cách một thành viên của Cộng đồng ASEAN để ASEAN thể hiện tốt hơn nữa vai trò của tổ chức khu vực. Tôi tin rằng hiện nay, với kinh nghiệm của nhiệm kỳ 2008-2009, kinh nghiệm trong các hoạt động quốc tế, có cả những sự kiện do Việt Nam tổ chức mà gần đây nhất là cuộc gặp Thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên và với đội ngũ cán bộ đã được rèn luyện ở các Bộ, ngành, địa phương, chắc chắn Việt Nam có năng lực tốt hơn so với nhiệm kỳ trước.

Thứ trưởng có thể chia sẻ cụ thể hơn về chủ đề “Đối tác vì một nền hòa bình bền vững” của Việt Nam tại HĐBA?

Hòa bình luôn là quan tâm lớn nhất của cộng đồng quốc tế, cũng là nhiệm vụ hàng đầu của LHQ. HĐBA lại được giao chức năng, trách nhiệm hàng đầu trong gìn giữ hòa bình, an ninh quốc tế. Vào thời điểm hiện nay, ý nghĩa của hòa bình, bền vững lại càng quan trọng, không chỉ hòa bình mà cần hòa bình bền vững ở nhiều khu vực.

Việt Nam có nhiều điều kiện đóng góp để cùng với cộng đồng quốc tế gìn giữ giá trị này. Trước hết, Việt Nam là quốc gia có khát vọng hòa bình và là dân tộc đã trải qua nhiều thử thách với những cuộc chiến tranh, vì vậy, cũng có mong muốn ngăn ngừa chiến tranh và xung đột. Bên cạnh đó, quan điểm của Việt Nam trên những vấn đề quốc tế lớn liên quan tới hòa bình là phù hợp với luật pháp quốc tế, cộng đồng quốc tế. Đường lối đối ngoại của chúng ta cũng có mục tiêu rất rõ là đường lối đối ngoại hòa bình, độc lập, tự chủ, mong muốn đóng vai trò tích cực, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế.

Với tất cả những lý do đó, “Đối tác vì một nền hòa bình bền vững” là chủ đề mà Việt Nam đưa ra cho quá trình ứng cử và đảm nhiệm trọng trách Ủy viên không thường trực HĐBA lần này.

Trước mắt, đâu là khó khăn lớn nhất của Việt Nam, thưa Thứ trưởng?

Có thể nói, khó khăn lớn nhất đối với Việt Nam là tình hình quốc tế đang thay đổi rất nhiều. Mặc dù hòa bình, hợp tác, phát triển vẫn là xu thế chính nhưng tình hình ở nhiều khu vực còn rất phức tạp. Hơn nữa, trong chương trình nghị sự HĐBA cũng có những thay đổi, vì vậy, chúng ta cũng cần nắm bắt lại, nâng cao năng lực, đội ngũ cán bộ của mình.

Trong tình hình mới, với vị thế mới, Việt Nam đứng trước kỳ vọng phải phát huy tốt hơn vai trò Ủy viên không thường trực HĐBA trong nhiệm kỳ 2020-2021, đóng góp nhiều hơn, thiết thực hơn vào công việc của HĐBA, giải quyết những thách thức chung, đáp ứng những quan tâm chung của cộng đồng quốc tế. Đây vừa là vinh dự, vừa là trách nhiệm nặng nề cho Việt Nam trong 2 năm sắp tới.

Thời gian qua, Việt Nam tham gia rất tích cực vào các hoạt động gìn giữ hòa bình của LHQ, Thứ trưởng đánh giá như thế nào về những nỗ lực này?

Hoạt động gìn giữ hòa bình được thực hiện liên quan tới hoạt động cưỡng chế của HĐBA nhằm duy trì hòa bình và an ninh quốc tế. Hoạt động gìn giữ hòa bình cũng là phương tiện quan trọng cho cộng đồng quốc tế để góp vào vấn đề ngăn ngừa xung đột, giúp giải quyết xung đột, đảm bảo ổn định sau khi xung đột đã được giải quyết.

Việt Nam tham gia vào các hoạt động này chính là thể hiện trách nhiệm của mình là quốc gia thành viên LHQ, thể hiện thiện chí của một dân tộc mong muốn hòa bình, đóng góp vào hòa bình trên thế giới, đáp ứng mong mỏi của các quốc gia. Trong quá trình kháng chiến, từ năm 1945-1975, các dân tộc châu Á, châu Phi, Mỹ Latinh đã ủng hộ Việt Nam. Sau khi Việt Nam thống nhất đất nước, đi vào hòa bình, phát triển, nhất là vị thế quốc tế ngày càng tăng thì các quốc gia cũng thực sự mong muốn Việt Nam hỗ trợ, đóng góp vào hòa bình.

Ông Peter Girke, Đại diện Quỹ KAS thường trú tại Việt Nam: "Hy vọng, khi được trúng cử vào vị trí thành viên không thường trực của HĐBA nhiệm kỳ 2020-2021, Việt Nam sẽ hoàn thành tốt trách nhiệm của mình để xây dựng, bảo đảm an ninh, hòa bình trong khu vực cũng như trên thế giới".

Ông Ian Martin, nguyên Giám đốc điều hành của Tổ chức báo cáo HĐBA: "Việt Nam đã thể hiện rất tốt trong vai trò thành viên không thường trực HĐBA LHQ nhiệm kỳ 2008-2009. Việt Nam cũng có rất nhiều kinh nghiệm quốc tế, do vậy, tôi chắc chắn rằng Việt Nam cũng sẽ đóng góp tốt khi trở thành thành viên không thường trực HĐBA nhiệm kỳ 2020-2021".

Ông Omar Halim, nguyên Đại diện đặc biệt của Tổng Thư ký LHQ: "Tôi rất vui mừng khi nhận thấy rằng 10 thành viên không thường trực HĐBA LHQ ngày càng đóng vai trò tích cực trong việc đưa ra những quyết định của HĐBA. HĐBA cũng đang phản ánh rõ hơn những thay đổi trong tình hình thế giới. Hy vọng, Việt Nam làm tốt nhất với tư cách là quốc gia chủ động, tích cực trong cộng đồng quốc tế và thành viên trong ASEAN khi trở thành thành viên không thường trực HĐBA nhiệm kỳ 2020-2021".

viet nam trong hoi dong bao an lien hop quoc doi tac vi mot nen hoa binh ben vung

Thứ trưởng Lê Hoài Trung tiếp Phó Tỉnh trưởng thường trực tỉnh Vân Nam

Trưa 1/4, tại Nhà khách Chính phủ, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Lê Hoài Trung đã tiếp ông Tông Quốc Anh, Phó Tỉnh trưởng ...

viet nam trong hoi dong bao an lien hop quoc doi tac vi mot nen hoa binh ben vung

Đưa hoạt động Ngoại giao Văn hóa ngày càng đi vào trọng tâm, hiệu quả

Chiều 28/3, tại Trụ sở Bộ, Thứ trưởng Ngoại giao, Chủ tịch Uỷ ban UNESCO Việt Nam Lê Hoài Trung đã chủ trì cuộc họp ...

viet nam trong hoi dong bao an lien hop quoc doi tac vi mot nen hoa binh ben vung

Kỷ niệm 58 năm ngày truyền thống công tác Đảng ngoài nước

Sáng 28/3, tại Hà Nội, Đảng uỷ Ngoài nước đã tổ chức kỷ niệm 58 năm Ngày truyền thống công tác đảng ngoài nước (31/3/1961-31/3/2019).

Hà Phương (thực hiện)