Đại tướng Phan Văn Giang, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam và đoàn đại biểu Quân đội nhân dân Việt Nam chụp ảnh lưu niệm. (Nguồn: TTXVN) |
Ngày 29/10, Đại tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam và Đoàn đại biểu cấp cao Bộ Quốc phòng Việt Nam đã đến thăm Viện Khoa học Quân sự Quân Giải phóng nhân dân Trung Quốc và Lữ đoàn hợp thành số 6 thuộc Tập đoàn quân số 82.
Viện Khoa học Quân sự Quân Giải phóng nhân dân Trung Quốc, cơ quan trực thuộc Quân ủy Trung ương Trung Quốc, được thành lập năm 1958 do Nguyên soái Diệp Kiếm Anh làm Viện trưởng kiêm Chính ủy đầu tiên. Viện là trung tâm nghiên cứu và điều phối công tác nghiên cứu khoa học quân sự toàn quân.
Trao đổi với ban lãnh đạo viện, Đại tướng Phan Văn Giang mong muốn Viện Khoa học Quân sự Quân Giải phóng nhân dân Trung Quốc tăng cường hợp tác nghiên cứu với các cơ quan đơn vị của Quân đội Nhân dân Việt Nam. Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam cũng đề nghị Viện Khoa học Quân sự Quân Giải phóng nhân dân Trung Quốc và Viện Chiến lược Quốc phòng Việt Nam tích cực phối hợp để sớm hoàn thành công trình nghiên cứu chung “Sưu tầm tư liệu, kỷ vật về tình đoàn kết hữu nghị giữa hai Quân đội Việt Nam-Trung Quốc, tư tưởng đoàn kết Hồ Chí Minh - Mao Trạch Đông trong kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ”.
Tới thăm Lữ đoàn hợp thành số 6, Đoàn đại biểu cấp cao Bộ Quốc phòng Việt Nam đã nghe chỉ huy lữ đoàn giới thiệu về lịch sử và cơ cấu tổ chức của đơn vị. Lữ đoàn hợp thành số 6 được thành lập năm 1938, trước đây đóng quân tại tỉnh Hà Nam. Sau đó, Lữ đoàn được chuyển về Bắc Kinh, thực hiện nhiệm vụ chính là tham gia bảo vệ thủ đô. Lữ đoàn cũng nhiều lần thực hiện nhiệm vụ phòng chống, cứu trợ thiên tai và tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình.
Ngày 30/10, Diễn đàn Hương Sơn Bắc Kinh lần thứ 10 sẽ chính thức khai mạc với sự tham dự của đông đảo lãnh đạo Bộ Quốc phòng, quân đội, chuyên gia, học giả đến từ nhiều quốc gia và các tổ chức quốc tế. Bộ trưởng Phan Văn Giang sẽ có bài phát biểu tại phiên toàn thể chủ đề “Vai trò của các nước đang phát triển trong an ninh toàn cầu”.