📞

Việt Nam tụt 3 bậc về năng lực cạnh tranh toàn cầu

13:22 | 18/10/2018
Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) vừa công bố Báo cáo Năng lực cạnh tranh toàn cầu năm 2018 (The Global Competitiveness Report 2018), trong đó xếp hạng Việt Nam đứng vị trí thứ 77 trên tổng số 140 quốc gia và vùng lãnh thổ trong bảng xếp hạng. Với vị trí xếp hạng này, Việt Nam đã tụt 3 bậc so với năm trước.

Tuy nhiên, tính theo thang điểm 0-100 điểm của bảng xếp hạng năm nay, Việt Nam đạt 58,1 điểm, tăng nhẹ so với mức 57,9 điểm vào năm 2017.

Có 12 tiêu chí được WEF đưa ra tính toán để xếp hạng năng lực cạnh tranh của 1 nền kinh tế, bao gồm: thể chế, hạ tầng, ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông, ổn định kinh tế vĩ mô, sức khỏe, kỹ năng, thị trường cho sản phẩm, thị trường lao động, hệ thống tài chính, quy mô thị trường, động lực kinh doanh và năng lực sáng tạo.

Trong các tiêu chí, tiêu chí về “sức khoẻ” của Việt Nam được đánh giá cao nhất với 81 điểm, đứng thứ 68/140; quy mô thị trường đạt 71 điểm, đứng thứ 29/140; ổn định kinh tế vĩ mô đạt 75 điểm, đứng thứ 64/140; thị trường cho sản phẩm đứng thứ 102/140; động lực kinh doanh đứng thứ 101/140; kỹ năng đứng thứ 97/140.

Với vị trí xếp hạng 77/140, Việt Nam đã tụt 3 bậc so với năm trước. (Nguồn: Thương Gia Online)

Thể chế của Việt Nam đạt 50 điểm, đứng thứ 94/140; ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông đứng thứ 95/140; năng lực sáng tạo đạt 33 điểm, đứng thứ 82/140 quốc gia được xếp hạng.

Với điểm số 85,6/100, Mỹ đã đánh bại Singapore, Đức, Thụy Sĩ và Nhật Bản - bốn thị trường hàng đầu khác để dẫn đầu trong bảng xếp hạng năm nay. Theo Báo cáo của WEF, vị thế này của Mỹ là nhờ văn hóa kinh doanh “sôi động”, thị trường lao động và hệ thống tài chính “mạnh mẽ”. Lần gần nhất Mỹ đứng đầu Bảng xếp hạng là vào năm 2008.

Theo hãng tin Reuters, năm nay, WEF đã có sự thay đổi trong phương pháp luận để tính toán tốt hơn về sự sẵn sàng cho cạnh tranh trong tương lai. Ví dụ như việc tạo ra ý tưởng, văn hóa kinh doanh và số lượng các doanh nghiệp làm gián đoạn thị trường hiện tại.

(theo WEF)