Theo thống kê, năm 2003, Việt Nam có khoảng 4,5 triệu người mặc bệnh đái tháo đường, 65% trong số đó không biết mình mắc bệnh. Tỷ lệ mắc bệnh ở thành thị là 4% và nông thôn là 2-2,5%. Nhìn chung, phần lớn những người bệnh khi được phát hiện thì đã biến chứng dẫn đến nguy cơ bị mù, suy thận, hoại tử chi rất cao. Thống kê của WHO cho thấy, chi phí để điều trị cho những người bệnh đái tháo đường rất lớn. Mỗi người mắc bệnh đái tháo đường cần chi phí y tế gấp từ 2-3 lần người bình thường. Chi phí cho việc khám, điều trị và phòng chống bệnh đái tháo đường khoảng 232-430 tỷ USD. Tuy nhiên, hiện nay, phần đông người dân đều thờ ơ và thiếu kiến thức về bệnh đái tháo đường. Vì vậy, phải mất khoảng 10 năm tuyên truyền, phổ biến kiến thức mới hy vọng người dân nhận thức tốt hơn và tiến tới thay đổi hành vi tích cực hơn.Trước tình trạng số lượng người mắc và tử vong vì bệnh đái tháo đường ngày càng gia tăng tại Việt Nam, nhằm thực hiện mục tiêu quốc gia về bệnh đái tháo đường được Thủ tướng chính phủ phê duyệt ngày 19/12/2008, Tổng hội Y học Việt Nam đã triển khai dự án “Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống bệnh đái tháo đường” giai đoạn 2009-2012. Dự án sẽ được triển khai tại 5 tỉnh, thành phố lớn của Việt Nam là Hà Nội, TP. HCM, Đà Nẵng, Hải Phòng và Cần Thơ, tập trung vào các hoạt động truyền thông, tuyên truyền sâu rộng trong cộng đồng về căn bệnh đái tháo đường, góp phần nâng cao nhận thức của mọi người, từ đó có các biện pháp phòng, chống bệnh phù hợp, hiệu quả.A.L