Ấn Độ, Mexico, Na Uy, Ireland và Kenya chính thức tham gia Hội đồng Bảo an. (Nguồn: AP) |
Trong tháng đầu tiên của năm, dưới sự chủ trì của Tunisia (Chủ tịch Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc tháng 1/2021), và với sự tham gia của 5 nước Ủy viên không thường trực (UVKTT) mới là Ấn Độ, Mexico, Na Uy, Ireland và Kenya, HĐBA LHQ đã tiến hành tổng cộng 23 cuộc họp chính thức về các vấn đề ở hầu hết các khu vực.
Bên cạnh đó, HĐBA đã tổ chức 1cuộc đối thoại tương tác không chính thức (IID) về tình hình Somalia và 2 cuộc họp không chính thức theo thể thức Arria về “tình hình tự do báo chí tại Belarus” vào ngày 22/1 và về “Hồi hương trẻ em từ khu vực xung đột” vào ngày 29/1.
Trong thời gian này, HĐBA đã thông qua 10 văn kiện, trong đó có 1 Nghị quyết, 2 Tuyên bố Chủ tịch và 7 Tuyên bố báo chí. Các cơ quan trực thuộc của HĐBA tiếp tục hoạt động bình thường; các cuộc họp vẫn chủ yếu diễn ra theo hình thức trực tuyến.
Những điểm nóng khu vực
Tình hình Trung Đông - Bắc Phi tiếp tục diễn biến phức tạp, thu hút nhiều quan tâm thảo luận của HĐBA.
Nổi bật trong phiên thảo luận mở định kỳ về tiến trình hòa bình Trung Đông, hầu hết các nước đều khẳng định ủng hộ giải pháp hai Nhà nước về việc giải quyết xung đột Israel-Palestine thông qua đàm phán, thương lượng hòa bình; kêu gọi Israel và Palestine không có các hành động đơn phương gây phức tạp tình hình; và đánh giá cao tiến trình bình thường hóa quan hệ giữa Israel và các nước Arab.
Vấn đề Syria tiếp tục chứng kiến mâu thuẫn nghiêm trọng giữa các nước lớn trên tất cả các vấn đề về chính trị, nhân đạo và sử dụng vũ khí hóa học.
Vấn đề Yemen (nội chiến giữa chính phủ được liên quân của Saudi Arabia đứng đầu hỗ trợ, đang kiểm soát miền Nam) và lực lượng đối lập Houthi có dấu hiệu nóng lên trong bối cảnh xảy ra vụ tấn công khủng bố nhằm vào chính phủ ngày 30/12/2020 và xuất hiện nhiều diễn biến tiêu cực trên thực địa, gây ra tranh cãi giữa các nước lớn xoay quanh vấn đề truy cứu trách nhiệm.
Ở khu vực châu Âu, vấn đề Belarus cũng nổi lên phức tạp khi các nước phương Tây tiếp tục chỉ trích tình trạng vi phạm nhân quyền trước và sau cuộc bầu cử tổng thống ngày 9/8/2020, kêu gọi nước này chấm dứt việc giam giữ các phóng viên và “người bảo vệ nhân quyền”. Ngược lại, một số nước cho rằng diễn biến tại Belarus là vấn đề nội bộ, không nằm trong chương trình nghị sự của HĐBA.
Đối với các vấn đề khác, đáng chú ý có tình hình bạo lực tại CH Trung Phi phức tạp hơn sau khi Tòa án Hiến pháp nước này công bố kết quả bầu cử Tổng thống vào ngày 4/1; trong khi tình hình xung đột sắc tộc gia tăng tại Darfur (Sudan) giữa cộng đồng người Rizeigat (gốc Arab) và người Massalit (gốc Phi) đã khiến hơn 160 người thiệt mạng.
Tình hình khu vực Tây Phi và Sahel, Trung Á, Libya, Mali, Somalia, CH Cyprus, Colombia... không phát sinh diễn biến mới đáng chú ý, song vẫn tiềm ẩn rủi ro, bất ổn.
Các phiên thảo luận đáng chú ý
Tại Phiên thảo luận mở trực tuyến Cấp cao về “Các thách thức trong duy trì hòa bình và an ninh quốc tế trong bối cảnh dễ trở nên bất ổn” do Tổng thống Tunisia chủ trì (ngày 6/1), các nước HĐBA đều nhấn mạnh các nguy cơ bất ổn có khả năng làm gia tăng bạo lực và xung đột, gây ra các cuộc xung đột mới, ảnh hưởng đến năng lực quản trị, nỗ lực phát triển kinh tế - xã hội của các quốc gia.
Các nước cho rằng, bối cảnh dễ trở nên bất ổn, đặc biệt tại châu Phi có nguyên nhân gốc rễ từ xung đột, đói nghèo, tội phạm xuyên quốc gia, biến đổi khí hậu, khủng bố và bạo lực cực đoan; cần thực hiện các biện pháp cảnh báo sớm, ngăn ngừa xung đột và khẳng định vai trò của các tổ chức khu vực, tiểu khu vực, đặc biệt là Liên minh châu Phi (AU) trong việc tìm kiếm giải pháp.
Đáng chú ý, các nước Không liên kết, đang phát triển cho rằng, cần xem xét bản chất đan xen giữa các nguy cơ bất ổn và bạo lực xung đột, ủng hộ các sáng kiến thúc đẩy pháp quyền, nâng cao năng lực, thể chế quốc gia.
Tại Phiên thảo luận mở nhân dịp kỷ niệm 20 năm thông qua Nghị quyết 1373 (2001) về phòng chống khủng bố quốc tế (ngày 12/1), các nước khẳng định Nghị quyết 1373 của HĐBA đã góp phần thiết lập khuôn khổ pháp lý toàn cầu về chống khủng bố trong 2 thập kỷ qua, bày tỏ quan ngại trước nguy cơ các nhóm khủng bố sử dụng công nghệ thông tin, cấu kết với tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia nhằm tài trợ, gây quỹ cho các vụ tấn công.
Còn trong cuộc họp của HĐBA về kiểm điểm tình hình thực hiện Nghị quyết 2532 (2020) về ủng hộ lời kêu gọi ngừng bắn toàn cầu trong bối cảnh Covid-19 (ngày 25/1), Phó Tổng Thư ký LHQ phụ trách các vấn đề gìn giữ hòa bình cho biết, đã có tới gần 2.500 nhân viên của các phái bộ gìn giữ hòa bình trên toàn thế giới bị nhiễm Covid-19, trong đó có 24 ca tử vong.
Các nước chia sẻ quan ngại về việc chưa thực hiện đầy đủ lệnh ngừng bắn tại các khu vực điểm nóng, điển hình là Syria, Yemen, Nam Sudan, Dải Gaza và Tây Phi/Sahel; nhấn mạnh nhu cầu duy trì hoạt động ổn định của các Phái bộ và bảo đảm an toàn, sức khỏe của các nhân viên LHQ; ủng hộ vai trò trung tâm của Tổ chức Y tế thế giới (WHO).
Ngày 6/1, Thứ trưởng Ngoại giao Lê Hoài Trung phát biểu tại phiên thảo luận trực tuyến của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. (Ảnh: Tuấn Anh) |
Lập trường cân bằng và có trách nhiệm của Việt Nam
Việt Nam tiếp tục tham gia HĐBA trên tinh thần độc lập, tự chủ, tích cực, trách nhiệm và cân bằng, thể hiện rõ lập trường tuân thủ Hiến chương LHQ và các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, ủng hộ tìm kiếm giải pháp cho các cuộc xung đột khu vực và quốc tế thông qua đàm phán, thương lượng hòa bình, đồng thời đề cao các nỗ lực, kinh nghiệm của Việt Nam trong quá trình tái thiết và phát triển đất nước, hội nhập quốc tế và khu vực.
Các đối tác đều ghi nhận Việt Nam có lập trường cân bằng và có trách nhiệm; nhiều nước lớn đánh giá cao đóng góp và vai trò của Việt Nam.
Việt Nam đã thể hiện thiện chí hợp tác đối với sáng kiến điểm nhấn của Tunisia (nước Không liên kết ở châu Phi là Chủ tịch HĐBA tháng 1/2021) khi Thứ trưởng Ngoại giao Lê Hoài Trung tham dự và phát biểu tại Phiên thảo luận Cấp cao trực tuyến về “Các thách thức trong duy trì hòa bình và an ninh quốc tế trong bối cảnh dễ trở nên bất ổn”.
Thứ trưởng Lê Hoài Trung nhấn mạnh, đại dịch Covid-19 trong năm qua đã cho thấy rõ sự mong manh của thế giới và năng lực hạn chế của cộng đồng quốc tế trong giải quyết các thách thức toàn cầu.
Đại diện Việt Nam khẳng định, bất kỳ giải pháp lâu dài nào cũng cần coi các nguyên nhân gốc rễ của xung đột là trung tâm; cần có cách tiếp cận tổng thể, phát huy mạnh mẽ năng lực tự chủ của quốc gia với sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế, trong đó LHQ cần tiếp tục đóng vai trò trung tâm, kêu gọi tăng cường cam kết tuân thủ Hiến chương LHQ và luật pháp quốc tế.
Trong vai trò thành viên ASEAN và HĐBA, Việt Nam khẳng định ủng hộ các nỗ lực thúc đẩy hợp tác giữa LHQ và các tổ chức khu vực, đặc biệt trong ngăn ngừa xung đột.
Đối với một số vấn đề phức tạp có cạnh tranh lợi ích giữa các nước, Việt Nam tiếp tục có chủ trương xử lý khéo léo, thỏa đáng, bảo đảm lập trường nguyên tắc, tính tự chủ trong các quyết định.
Về tình hình Trung Đông, Việt Nam khẳng định ủng hộ các sáng kiến và biện pháp nhằm đạt được một giải pháp lâu dài, toàn diện và công bằng cho vấn đề Palestine; kêu gọi cộng đồng quốc tế gia tăng nỗ lực thúc đẩy tiến trình hòa bình Trung Đông và giải quyết hòa bình xung đột Israel-Palestine; ủng hộ mạnh mẽ giải pháp hai Nhà nước phù hợp với luật pháp quốc tế và các nghị quyết của LHQ.
Về Syria, Việt Nam khẳng định ủng hộ giải pháp chính trị và kêu gọi các bên tham gia xung đột tiến hành đối thoại một cách xây dựng nhằm tạo môi trường thuận lợi cho việc tìm kiếm giải pháp hòa bình, chấm dứt xung đột; ủng hộ các nỗ lực của LHQ và đối tác quốc tế trong hỗ trợ Syria trên cơ sở tôn trọng độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, không can thiệp vào công việc nội bộ quốc gia.
Về Yemen, Việt Nam hoan nghênh những tiến triển tích cực trong việc thành lập chính phủ mới; kêu gọi các bên liên quan thực hiện đầy đủ các Hiệp định Stockholm và Riyadh với vai trò trung gian của LHQ, tuân thủ luật nhân đạo quốc tế, bảo vệ phụ nữ, trẻ em và những đối tượng dễ bị tổn thương bởi xung đột.
Về việc kiểm điểm Nghị quyết 2532 (2020) của HĐBA về đại dịch Covid-19, Việt Nam tiếp tục kêu gọi LHQ và các tổ chức khu vực hỗ trợ các bên trong xung đột thực thi hiệu lực, hiệu quả các cam kết ngừng bắn quốc tế.
Việt Nam ủng hộ vai trò thiết yếu của LHQ trong việc ứng phó với dịch bệnh của hệ thống y tế toàn cầu; nhấn mạnh sự cần thiết của việc hỗ trợ các nước giảm thiểu tác động kinh tế, xã hội của đại dịch, bảo đảm tiếp cận vaccine công bằng và bình đẳng.
Trong phiên Thảo luận mở trực tuyến nhân dịp kỷ niệm 20 năm thông qua Nghị quyết 1373 (2001) của HĐBA về phòng chống khủng bố quốc tế, Việt Nam khẳng định cần thúc đẩy cách tiếp cận toàn diện trên cơ sở Hiến chương LHQ, luật pháp quốc tế và thực hiện Chiến lược toàn cầu chống khủng bố với LHQ đóng vai trò điều phối trung tâm; tập trung ngăn ngừa và chấm dứt xung đột, tăng cường khả năng của các nước để chống lại bạo lực cực đoan và khủng bố, huy động sự tham gia của toàn xã hội, đặc biệt là phụ nữ, thanh niên, các tổ chức phi chính phủ, tư nhân.