📞

Việt Nam và Australia ra mắt Liên minh Đổi mới sáng tạo trong chăn nuôi lợn nhằm cải thiện sinh kế nông dân

Vy Anh 15:34 | 26/06/2024
Với sự hỗ trợ của Australia, Liên minh Đổi mới sáng tạo trong chăn nuôi lợn an toàn sinh học là bước tiến quan trọng nhằm hướng tới một tương lai an toàn, bền vững cho ngành chăn nuôi lợn ở Việt Nam.
Sự kiện ra mắt Liên minh Đổi mới sáng tạo trong chăn nuôi lợn an toàn sinh học giữa Australia và Việt Nam quy tụ các nhà nghiên cứu, nhà hoạch định chính sách, cũng như các doanh nghiệp và nông dân. (Ảnh: ĐSQ)

Ngày 26/6, Liên minh Đổi mới sáng tạo trong chăn nuôi lợn an toàn sinh học đã được thành lập nhằm bảo vệ ngành chăn nuôi lợn tại Việt Nam. Đây là thành quả hợp tác giữa Chương trình Aus4Innovation của Chính phủ Australia và Viện Chăn nuôi thuộc Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn của Việt Nam với mục tiêu thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong chăn nuôi lợn.

Cũng tại sự kiện, kết quả nghiên cứu về tính dễ bị tổn thương của các hộ chăn nuôi lợn quy mô nhỏ trước những rủi ro về bệnh dịch và an toàn sinh học, chẳng hạn như dịch tả lợn châu Phi, đã được chia sẻ với các bên liên quan.

Nhu cầu tăng cường khả năng chống lại dịch tả lợn châu Phi của ngành chăn nuôi lợn Việt Nam đang trở nên vô cùng cấp thiết. Kể từ năm 2019, dịch bệnh này đã gây ra rất nhiều thiệt hại, nhất là với các hộ chăn nuôi nhỏ hiện đang chiếm tỉ lệ 99,8% toàn ngành mà nguyên nhân chính là do chưa thực hiện đúng và đủ các biện pháp an toàn sinh học.

Sự ra đời của Liên minh và những kết quả từ nghiên cứu nói trên thể hiện cam kết tăng cường an toàn sinh học như một biện pháp phòng vệ tuyến đầu chống lại tả lợn châu Phi cũng như các dịch bệnh khác.

Nghiên cứu trên là hoạt động hợp tác giữa Viện Chăn nuôi, Cơ quan khoa học quốc gia Australia - CSIRO và Đại học Charles Sturt (Australia) nhằm xác định những thách thức về an toàn sinh học và tìm kiếm cơ hội đổi mới sáng tạo ở cấp độ hộ chăn nuôi nhỏ.

Với cách tiếp cận đa chiều, nghiên cứu đã thu thập dữ liệu và đánh giá những lỗ hổng phòng chống, cũng như khả năng phục hồi trước dịch tả lợn châu Phi trong chuỗi giá trị lợn.

Tại sự kiện Đại sứ Australia tại Việt Nam Andrew Goledzinowski nhấn mạnh về sự cần thiết của quan hệ hợp tác này: “Liên minh Đổi mới sáng tạo trong chăn nuôi lợn an toàn sinh học ra mắt chính là bước tiến quan trọng nhằm hướng tới một tương lai an toàn, bền vững cho ngành chăn nuôi lợn ở Việt Nam. Việc áp dụng các thực hành an toàn sinh học mang tính đổi mới sáng tạo không chỉ đóng vai trò then chốt trong việc cải thiện sinh kế của nông dân mà còn đảm bảo khả năng phục hồi của chuỗi cung ứng thực phẩm và giúp quản lý các tác động môi trường".

Theo Đại sứ Andrew Goledzinowski, hỗ trợ tài chính và kỹ thuật của Australia cho Liên minh một lần nữa thể hiện cam kết của Australia trong vai trò là đối tác đáng tin cậy của Việt Nam trong lĩnh vực đổi mới sáng tạo và khoa học công nghệ, từ đó tăng cường quan hệ Đối tác chiến lược giữa hai nước.

Tiến sĩ Kim Wimbush, Tham tán CSIRO tại Việt Nam kiêm Giám đốc Chương trình Aus4Innovation chia sẻ về kế hoạch hỗ trợ của Aus4Innovation cho Liên minh: "Thông qua chương trình Aus4Innovation do Cơ quan khoa học quốc gia Australia - CSIRO quản lý, chúng tôi có một chiến lược toàn diện để hỗ trợ Liên minh bao gồm hỗ trợ tài chính, cung cấp chuyên gia, tư vấn nghiên cứu và các hoạt động triển khai liên quan. Ngoài ra, chúng tôi cũng sẽ tạo điều kiện và thúc đẩy tương tác giữa các thành viên Liên minh và các nhân tố khác trong hệ sinh thái đổi mới để thương mại hóa thành công các kết quả nghiên cứu giữa Việt Nam-Australia”.

Đồng quan điểm với các ý kiến trên, Tiến sĩ Phạm Công Thiếu, Viện trưởng Viện Chăn nuôi nhấn mạnh: “Việc ra mắt Liên minh đánh dấu một bước tiến tích cực nhằm nâng cao tiêu chuẩn chăn nuôi lợn của Việt Nam. Mặt khác, nghiên cứu chúng tôi vừa thực hiện cũng đã cung cấp những tư liệu đầu vào quan trọng giúp phát triển các công cụ đánh giá tính dễ bị tổn thương và khả năng phục hồi, góp phần đáng kể vào nỗ lực chung trong việc bảo vệ ngành chăn nuôi lợn".

Nghiên cứu tiến hành trên 160 hộ chăn nuôi lợn tại ba tỉnh Hà Nam, Hòa Bình và Bắc Giang cho thấy tỉnh Hòa Bình là địa phương có nguy cơ nhiễm bệnh cao hơn hai địa phương còn lại. Kết quả phân tích cũng chỉ ra tỉ lệ thu nhập từ chăn nuôi lợn trong tổng thu nhập của hộ nông dân tỉ lệ nghịch với khả năng dễ nhiễm bệnh. Nghiên cứu đã cung cấp những phát hiện nền tảng cho việc xây dựng chính sách và thực hành an toàn sinh học trong tương lai.

Sự ra mắt của Liên minh Đổi mới sáng tạo trong chăn nuôi lợn an toàn sinh học và các kết quả nghiên cứu đánh dấu một bước tiến quan trọng trong việc giải quyết các thách thức về an toàn sinh học mà ngành chăn nuôi lợn của Việt Nam đang phải đối mặt. Hai thành quả này cũng tạo tiền đề cho các giải pháp và chính sách đổi mới sáng tạo nhằm đảm bảo sinh kế của các hộ chăn nuôi nhỏ, thúc đẩy an toàn thực phẩm và tăng cường khả năng phục hồi của ngành trước dịch bệnh.

Liên minh và nghiên cứu nói trên được triển khai trong khuôn khổ Chương trình Aus4Innovation, chương trình thực hiện trong 10 năm (2018-2028) với tổng ngân sách 33,5 triệu AUD nhằm củng cố hệ thống đổi mới sáng tạo của Việt Nam hướng đến phát triển kinh tế xã hội bền vững và bao trùm.

Chương trình được tài trợ bởi Bộ Ngoại giao và thương mại Australia, đồng tài trợ và quản lý bởi CSIRO - Cơ quan khoa học quốc gia Australia với đối tác chiến lược là Bộ Khoa học và Công nghệ Việt Nam.