Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh phát biểu tại Hội nghị Ban Chỉ đạo quốc gia về ODA và vốn vay ưu đãi, ngày 17/6/2019. (Ảnh Tuấn Anh) |
Ngày 17/6, chủ trì Hội nghị Ban Chỉ đạo quốc gia về ODA và vốn vay ưu đãi với nhóm 6 Ngân hàng phát triển, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh, Trưởng Ban Chỉ đạo nhấn mạnh sáu nhóm giải pháp nhằm đẩy nhanh tiến độ giải ngân nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi phục vụ phát triển.
Thu hút vượt trội, giải ngân chậm
Tại Hội nghị, đánh giá chung của 6 nhà tài trợ gồm Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Cơ quan phát triển Pháp (AFD), Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA), Ngân hàng Xuất nhập khẩu Hàn Quốc (KEXIM), Ngân hàng Tái thiết Đức (KfW) và Ngân hàng Thế giới (WB) đều khẳng định, Việt Nam “vượt trội” so với các nước khác về tiếp nhận nguồn vốn ODA và vốn ưu đãi.
Việt Nam cũng được các nhà tài trợ đánh giá đạt tỉ lệ cao về số lượng dự án hoàn thành, đạt kết quả phát triển và đạt các mục tiêu đề ra. Theo báo cáo đánh giá của JICA, ADB, WB, các dự án của cả 3 nhà tài trợ này tại Việt Nam đạt kết quả tốt hơn các quốc gia khác như: Ấn Độ, Indonesia, Philippines, Sri Lanka…
Tuy nhiên, thời gian gần đây, thống kê của Việt Nam và các nhà tài trợ, tỉ lệ giải ngân giảm từ mức cao 23,1% năm 2014 xuống còn 11,2% trong năm 2018. Tiến độ và giải ngân chậm đã dẫn đến tăng chi phí dự án, giảm hiệu quả đầu tư, tác động đến tốc độ tăng trưởng GDP. Năm 2018, tổng số vốn cam kết của 6 ngân hàng là gần 29 tỷ USD, nhưng vốn cam kết chưa giải ngân hiện vẫn còn ở mức gần 17 tỷ USD, bằng 7% GDP của Việt Nam. Đầu năm 2019, mới giải ngân được gần 2 nghìn tỷ đồng, đạt 7% trên tổng số hơn 28 nghìn tỷ đồng kế hoạch được giao.
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia về ODA và vốn vay ưu đãi phát biểu khai mạc Hội nghị. (Ảnh Tuấn Anh) |
Tuy nhiên, Việt Nam đã chuyển sang nhóm nước có thu nhập trung bình, đã không còn được nhận các khoản vay của Hiệp hội phát triển Quốc tế (IDA) của WB và nguồn vốn từ Quỹ phát triển châu Á (ADF) của ADB. Nguồn vốn ODA của các đối tác phát triển khác cũng đang giảm đáng kể, thay vào đó là các nguồn vốn vay ưu đãi.
Trong bối cảnh đó, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 1489/QĐ-Ttg ngày 6/11/2018 phê duyệt “Định hướng thu hút, quản lý và sử dụng nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài giai đoạn 2018-2020 và tầm nhìn 2021-2025” làm cơ sở để các cơ quan của Việt Nam và các đối tác phát triển xác định các lĩnh vực ưu tiên, lựa chọn các dự án tốt để sử dụng hiệu quả nguồn vốn này. Chính phủ cũng đã giao Bộ Kế hoạch & Đầu tư (KH&ĐT) chủ trì xây dựng “Khung quan hệ đối tác ODA giai đoạn 2021-2025 và tầm nhìn 2030”.
Sáu giải pháp quyết liệt
Trên cơ sở các ý kiến và khuyến nghị của 6 ngân hàng cũng như các bộ/ngành, địa phương, Phó Thủ tướng đề nghị các bên tiếp tục thực hiện sáu nhóm giải pháp dưới đây.
Một là, đề nghị cả hai phía tiếp tục cải tiến, đơn giản hóa quy trình thủ tục tiếp nhận các nguồn vốn ODA, vốn vay ưu đãi. Sau Luật đầu tư công sửa đổi và thông qua, Bộ KH&ĐT sẽ trình Chính phủ Nghị định thay thế các Nghị định 16 và 132.
Thứ hai, đề nghị các bên rút ngắn thời gian khởi động thực hiện các dự án; cùng ngồi lại giải quyết sự khác biệt giữa các thủ tục của các ngân hàng cũng như thủ tục phía bộ/ngành Việt Nam. “Quốc hội, Chính phủ hết sức quan tâm đến hiệu quả việc sử dụng nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi, nhưng để hiệu quả thì phải thực hiện nghiêm các luật và quy định”, Phó Thủ tướng nói.
Vừa qua một cái khó cản trở tiến độ giải ngân đó là quy định của luật giải ngân phải theo kế hoạch trong khi các nhà tài trợ giải ngân theo tiến độ dự án. Vì vậy, Phó Thủ tướng đề nghị kế hoạch phải làm tốt, phải làm sao lập kế hoạch dự án để các dự án đạt tiến độ thì sẽ có nguồn vốn.
Phó thủ tướng Phạm Bình Minh trao đổi với Giám đốc Ngân hàng Thế giới tại Hội nghị, ngày 17/6/2019. (Ảnh Tuấn Anh) |
Thứ ba, các bộ/ngành, địa phương phải xây dựng quy trình thủ tục cụ thể, rõ ràng, nhất quán về lập thẩm định và giao kế hoạch đầu tư công trung hạn hàng năm đối với nguồn vốn nước ngoài trên nguyên tắc minh bạch hóa thông tin, trao đổi thường xuyên để bố trí vốn kế hoạch phù hợp.
Vừa qua Chính phủ nhận thấy vấn đề này và đã có chỉnh sửa theo hướng điều chuyển vốn của các dự án trong bộ/ngành hoặc địa phương. Dự án nào chậm do giai đoạn đầu chuẩn bị thì có thể chuyển dự án đó cho các dự án cùng lĩnh vực trong bộ/ngành đó để giải ngân nhanh. Điều này cũng đòi hỏi các ngân hàng cũng phải có các bước linh hoạt trong điều chỉnh vốn cho các dự án.
Thứ tư, Phó Thủ tướng nhấn mạnh, xác định rõ những hạng mục mang tính chi thường xuyên và chi đầu tư đầu tư phát triển để tạo thuận lợi cho việc xây dựng dự án, kế hoạch thanh quyết toán. Phải làm rõ, minh bạch hạng mục nào chi đầu tư thường xuyên, hạng mục nào chi cho đầu tư phát triển trong quá trình trao đổi với các ngân hàng.
Thứ năm, xem xét điều chỉnh tỷ lệ cho vay cho chính quyền địa phương phù hợp với từng lĩnh vực. Trong bối cảnh Việt Nam khó tiếp cận các khoản vay của IDA và các nguồn vốn ODA, vốn vay ưu đãi ngày càng hạn hẹp, thì vấn đề đặt ra là hiệu quả của các nguồn vay và tăng tính trách nhiệm của người vay để tăng tính hiệu quả.
Cuối cùng, Phó Thủ tướng đề nghị, các bộ/ngành, địa phương cần phối hợp với các nhà tài trợ thường xuyên kiểm điểm tình hình, đánh giá giải ngân các dự án, đề xuất giải pháp kịp thời tháo gỡ khó khăn.
Hiện chỉ còn 1,5 năm trong giai đoạn 2019-2020, việc sử dụng, giải ngân nguồn vốn, tạm tính mỗi năm phải giải ngân 90 nghìn tỷ để đạt mức 360 nghìn tỷ theo chỉ tiêu Quốc hội giao. Vì vậy, cần sự phối hợp giữa các nhà tài trợ với các bộ/ngành, địa phương để tích cực thực hiện cơ cấu lại các dự án, thúc đẩy giải ngân. Phó Thủ tướng nhấn mạnh, các bộ/ngành, nhất là Bộ KH&ĐT và Tài chính cùng với 6 ngân hàng cần tăng cường trao đổi hơn nữa, nhanh chóng xử lý các bất cập.
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh nhấn mạnh, giải ngân nguồn vốn đầu tư công, trong đó có nguồn vốn nước ngoài đang là vấn đề lớn mà Chính phủ quan tâm thúc đẩy. Việt Nam đang trong quá trình xây dựng Kế hoạch 5 năm phát triển kinh tế xã hội 2021-2025, đối với nguồn vốn nước ngoài, Chính phủ chủ trương tiếp tục huy động và sử dụng nguồn ODA và vốn vay ưu đãi cho đầu tư phát triển. |