📞

Viettel được cấp đổi 02 giấy phép bổ sung thêm dịch vụ 4G

07:00 | 04/11/2016
Căn cứ theo Nghị định số 81/2016/NĐ-CP, Viettel đã được cấp đổi 02 giấy phép thiết lập mạng và cung cấp dịch vụ viễn thông di động (2G và 3G) hiện hành thành Giấy phép thiết lập mạng và giấy phép cung cấp dịch vụ viễn thông di động có bổ sung thêm dịch vụ viễn thông di động thế hệ thứ 4G. 

Cụ thể, theo Giấy phép số 466/GP-BTTTT do Bộ TT&TT cấp lần 02 ngày 14/10/2016, Viettel được cấp đổi và bổ sung giấy phép thiết lập mạng Viễn thông công cộng di động mặt đất sử dụng băng tần số vô tuyến điện và số thuê bao viễn thông trên phạm vi toàn quốc theo các tiêu chuẩn GSM (2G), IMT-2000 (3G) và tiêu chuẩn LTE-Advanced (4G).

Tập đoàn Viettel cho biết, trong quý I/2017, Viettel sẽ chính thức đưa thiết bị hạ tầng 4G vào sử dụng tại Lào, Đông Timor và 3 tỉnh của Việt Nam. (nguồn: Viettel)

Ngoài việc được cấp và sử dụng mã, số, điểm báo hiệu và số thuê bao viễn thông theo quy hoạch và quy định về quản lý kho số viễn thông, Tập đoàn này còn được cấp và sử dụng băng tần số vô tuyến điện và kênh tần số vô tuyến điện theo quy hoạch phổ tần số vô tuyến điện quốc gia và các quy định về quản lý tần số vô tuyến điện phục vụ công tác thiết lập mạng viễn thông công cộng. Giấy phép này có hiệu lực kể từ ngày ký, có giá trị đến hết ngày 15/09/2024.

Cùng ngày, Viettel cũng được Bộ TT&TT cấp Giấy phép lần 2 số 467/GP-BTTTT về việc cấp đổi và bổ sung giấy phép cung cấp dịch vụ viễn thông cơ bản, dịch vụ viễn thông giá trị gia tăng, các dịch vụ cộng thêm… trên mạng viễn thông di động mặt đất các dịch vụ viễn thông trên phạm vi toàn quốc theo Khoản 1, Khoản 2 Điều 9 Nghị định số 25/2011/NĐ-CP.  Dịch vụ được cung cấp theo phương thức trực tiếp hoặc bán lại, hình thức thanh toán giá cước dưới dạng trả trước hoặc trả sau. Tiến độ triển khai, tỷ lệ phần trăm dân số có khả năng tiếp cận dịch vụ theo từng giai đoạn cũng được nêu rõ trong Giấy phép và là căn cứ để giám sát việc triển khai theo cam kết của Doanh nghiệp.

Các hoạt động liên quan tới giá cước và khuyến mại, chất lượng dịch vụ phải tuyệt đối tuân thủ theo quy định về quản lý giá cước, khuyến mại và quản lý chất lượng dịch vụ viễn thông. Trong giấy phép, doanh nghiệp cũng cam kết tuân thủ và công bố các tiêu chuẩn kỹ thuật theo các Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia do Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành, đặc biệt là công bố các chỉ tiêu chất lượng theo từng vùng cung cấp dịch vụ dưới dạng bản đổ số. Giấy phép này có hiệu lực kể từ ngày ký, có giá trị đến hết ngày 15/09/2024.

Như vậy, cùng với việc được cấp đổi 02 giấy phép trên đây, Viettel đã sản xuất và thử nghiệm thành công thiết bị hạ tầng cho mạng 4G (trạm thu phát vô tuyến 4G macro), sẵn sàng kinh doanh chính thức 4G trong Quý I năm 2017. Riêng các thiết bị hạ tầng 4G sẽ được đưa vào sử dụng tại Lào, Đông Timor và 3 tỉnh của Việt Nam; đồng thời thúc đẩy việc nghiên cứu mạng lõi 4G (EPC) và thiết bị truyền dẫn Site Router để đưa vào thử nghiệm cùng thời gian này. Từ 2018, Viettel sẽ tiến hành thay thế thiết bị mạng lõi nhập ngoại bằng sản phẩm do chính công ty sản xuất.

Trong chiến lược mở rộng sang lĩnh vực nghiên cứu, sản xuất, Viettel đặt mục tiêu đến năm 2020, 70% hạ tầng viễn thông của Viettel sẽ do Viettel làm chủ nghiên cứu, thiết kế, sản xuất. Tất cả các thành phần từ mạng lõi (vOCS, MSC, EPC, IMS), mạng truyền dẫn (Site Router) đến mạng truy nhập (eNodeB) của Viettel sẽ không phụ thuộc vào bất kỳ nhà cung cấp nào.