📞

VIFTA: Cánh cửa mới đã mở, doanh nghiệp làm gì để đón đầu cơ hội?

Gia Thành 15:16 | 28/04/2023
Cánh cửa mở rộng với các sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường Israel, sau khi Hiệp định Thương mại tự do (FTA) Việt Nam- Israel (VIFTA) chính thức kết thúc đàm phán.
Việt Nam và Israel đã chính thức kết thúc đàm phán VIFTA. (Nguồn: Bộ Công Thương)

Ngày 2/4, Việt Nam và Israel đã chính thức kết thúc đàm phán FTA sau 7 năm với 12 phiên đàm phán. Sau khi hoàn tất các công việc kỹ thuật cần thiết, Việt Nam và Israel sẽ ký Hiệp định và hoàn thiện thủ tục pháp lý của mỗi nước để triển khai trong thời gian sớm nhất. Dự kiến Hiệp định được ký kết ngay trong năm nay.

Cơ hội mới tại thị trường mới

Theo số liệu của Bộ Công Thương, trao đổi thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Israel không ngừng tăng nhanh từ 1,58 tỷ USD trong năm 2020 lên 1,89 tỷ USD trong năm 2021 và đạt 2,23 tỷ USD trong năm 2022, tăng 17,85% so với năm trước đó.

Hiện tại, Israel là đối tác thương mại lớn thứ 5 và là thị trường xuất khẩu lớn thứ 3 của Việt Nam tại khu vực Trung Đông (sau UAE và Thổ Nhĩ Kỳ). Ngược lại, Việt Nam là một trong những đối tác thương mại lớn nhất của Israel ở khu vực Đông Nam Á (ASEAN).

Cơ cấu mặt hàng xuất nhập khẩu giữa hai nước có tính chất bổ sung cho nhau, những mặt hàng Israel cần nhập khẩu cũng là những mặt hàng xuất khẩu có thế mạnh của Việt Nam và ngược lại.

Những năm gần đây, Việt Nam xuất khẩu sang Israel đạt trên dưới 780 triệu USD/năm. Cụ thể, năm 2021 xuất khẩu tăng 14,2% so với năm trước đó và năm 2022 xuất khẩu sang Israel đạt 785,7 triệu USD. Xét trên dung lượng thị trường, trị giá xuất khẩu của Việt Nam sang Israel/quy mô 9,7 triệu dân sở tại đạt tỷ lệ khá cao. Hiện xuất khẩu của Việt Nam đã khôi phục đà tăng trưởng sang thị trường này.

Trong 2 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu sang Israel đạt 125,5 triệu USD, tăng 13% so với cùng kỳ năm trước. Dự kiến, nếu tình hình thị trường diễn biến thuận lợi, xuất khẩu của Việt Nam sang Israel trong cả năm 2023 có thể đạt khoảng 850 triệu USD.

Khi VIFTA được ký kết, nhiều ngành hàng của Việt Nam sẽ được hưởng lợi. Đơn cử như dệt may - mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu tương đối khá sang Israel. Trong quý I/2023, kim ngạch xuất khẩu dệt may sang thị trường này xấp xỉ 4 triệu USD.

Thủy sản cũng là ngành hàng hưởng lợi khi VIFTA ký kết. Thống kê của Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản (VASEP) cho thấy, xuất khẩu thủy sản sang Israel tăng trưởng đều đặn. Năm ngoái, xuất khẩu cá ngừ sang Israel đạt 36,63 triệu USD và Israel đứng thứ 4 trong số 10 thị trường nhập khẩu cá ngừ lớn nhất của Việt Nam.

Xuất khẩu mực đông lạnh đạt 23,22 triệu USD và Israel đứng thứ 8 trong số 10 thị trường nhập khẩu mực và bạch tuộc hàng đầu của Việt Nam. Xuất khẩu tôm đông lạnh đạt khoảng 21 triệu USD và Israel đứng thứ 20.

Trong lĩnh vực nông sản, Tổng Thư ký Hiệp hội rau quả Việt Nam Đặng Phúc Nguyên nhận định, Israel có nền nông nghiệp phát triển với công nghệ rất cao song các loại trái cây không phong phú nên Việt Nam có nhiều lợi thế hơn. Chúng ta có thể xuất khẩu thanh long, sầu riêng, vải, nhãn…

Bên cạnh đó, từ thị trường Israel, Việt Nam có thể tiếp cận nhiều thị trường xung quanh. Ví dụ ở khu vực Trung Đông đầy tiềm năng, Việt Nam có thể đẩy mạnh xuất khẩu các mặt hàng gia vị như quế, hồi, hạt tiêu… cũng như tìm kiếm cơ hội ở một số thị trường ngách như Bangladesh, Pakistan...

Doanh nghiệp cần lưu ý điều gì?

Để tận đón đầu cơ hội xuất khẩu sang Israel, ông Lê Thái Hòa, Tham tán Thương mại Việt Nam tại Israel cho rằng, doanh nghiệp cần chú ý 6 vấn đề.

Thứ nhất, bên cạnh những thị trường truyền thống, chúng ta cần đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, mở rộng các thị trường mới, thị trường ngách, thị trường ở xa….

Việc hai bên kết thúc đàm phán và dự kiến chính thức ký kết Hiệp định VIFTA trong thời gian tới sẽ góp phần mở cửa thị trường, giảm thuế, tạo điều kiện cho hàng hóa Việt Nam tiếp tục tiếp cận và thâm nhập mạnh hơn nữa vào thị trường Israel.

Việt Nam có thể đẩy mạnh xuất khẩu các mặt hàng gia vị như quế, hồi, hạt tiêu… (Nguồn: Trí Việt Phát)

Thứ hai, mặc dù dung lượng thị trường khiêm tốn nhưng nhu cầu nhập khẩu khá lớn, vòng quay tiêu dùng ở thị trường Israel nhanh, thể hiện ở trị giá nhập khẩu hàng hóa tăng mạnh hàng năm.

Tập quán và thói quen kinh doanh của các doanh nghiệp Israel là muốn mua hàng thành phẩm, đã qua chế biến, có giá trị gia tăng cao, được đóng gói sẵn bao bì hoàn chỉnh, nhất là đối với nhóm hàng lương thực thực phẩm và hàng tiêu dùng (thủy hải sản, hạt điều, cà phê, hạt tiêu, nước giải khát, bánh kẹo, quế, dệt may, giày dép các loại…), kể cả hàng điện tử và hàng gia dụng, để mang về đưa vào các kênh phân phối hoặc chuỗi siêu thị bán lẻ cho người tiêu dùng có thể sử dụng được ngay sau khi mua hàng.

Đây chính là những yếu tố thuận lợi cho các doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu của Việt Nam tranh thủ khai thác cơ hội xuất khẩu hàng hóa có giá trị gia tăng cao sang thị trường Israel.

Thứ ba, đối với tiêu chuẩn chất lượng hàng hóa, Israel yêu cầu hàng hóa nhập khẩu phải tuân thủ chặt chẽ các tiêu chuẩn bản địa nhiều khi mang tính chất đặc thù. Bên cạnh đó, Israel cũng áp dụng theo các tiêu chuẩn của Liên minh châu Âu (EU), Mỹ và thực hiện công tác kiểm tra, kiểm soát khá nghiêm ngặt.

Để tăng cường nguồn cung cấp hàng hóa từ bên ngoài và tính cạnh tranh trên thị trường, Israel đã thực hiện một số cải cách nhập khẩu và tăng cường áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế được công nhận ở những nước phát triển.

Thứ tư, thời gian qua, Thương vụ Việt Nam tại Israel thường xuyên cung cấp các thông tin về diễn biến thị trường, các thay đổi về chính sách thương mại và quy định nhập khẩu mới, xuất bản các ấn phẩm hướng dẫn doanh nghiệp, định hướng mặt hàng xuất khẩu, cơ hội giao thương, trực tiếp giới thiệu đối tác bạn hàng, đăng tải danh sách các công ty kinh doanh của Israel có nhu cầu tìm kiếm nhà cung cấp và đối tác tại Việt Nam.

Điều này giúp xác minh thẩm tra tư cách pháp nhân, tổ chức các sự kiện xúc tiến thương mại và kết nối giao thương, tham dự các triển lãm giới thiệu quảng bá mặt hàng xuất khẩu và doanh nghiệp Việt Nam để hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận với thị trường và thiết lập quan hệ hợp tác kinh doanh với đối tác tại Israel.

Thứ năm, doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu Việt Nam cần chú trọng chào hàng các sản phẩm chế biến có giá trị gia tăng cao, với giá cả cạnh tranh sát thực và chất lượng phù hợp, trả lời nhanh chóng các giao dịch với khách hàng người mua Israel, tuân thủ các yêu cầu về tiêu chuẩn và quy định nhập khẩu của Israel mới ban hành.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp Việt Nam cần tích cực quan tâm, đầu tư khai thác thị trường Israel; cụ thể là chủ động sang khảo sát, tìm hiểu thị trường, tham dự các hội chợ, triển lãm, sự kiện xúc tiến thương mại, kết nối giao thương được tổ chức tại Israel, trực tiếp gặp gỡ đối tác bạn hàng để phát hiện ra nhu cầu hợp tác của nhau, qua đó góp phần thúc đẩy xuất khẩu sang thị trường này.

Ngoài ra, doanh nghiệp cũng cần thường xuyên theo dõi sát những diễn biến về an ninh chính trị tại Israel, do đây là địa bàn nhạy cảm về các xung đột và bất ổn có ảnh hưởng tới toàn bộ khu vực, để có đối sách kịp thời về các giao dịch ký kết hợp đồng mua bán, chuyên chở hàng hóa xuất nhập khẩu và bảo đảm lợi ích kinh doanh.

Thứ sáu, trong trường hợp cần thiết, các doanh nghiệp nên liên hệ với Thương vụ-Đại sứ quán Việt Nam tại Israel để được hỗ trợ và tư vấn kịp thời cũng như được cung cấp các thông tin hữu ích khi giao dịch, hợp tác kinh doanh với các đối tác bạn hàng tại thị trường Israel.