📞

Vĩnh Phúc cần ưu tiên phát triển công nghiệp-du lịch- dịch vụ

17:19 | 05/09/2017
Sáng 5/9, sau khi dự Lễ khai giảng tại Trường THPT Trần Phú, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã có buổi làm việc nhanh với một số lãnh đạo chủ chốt tỉnh Vĩnh Phúc về tình hình phát triển kinh tế-xã hội trên địa bàn.

Báo cáo tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, những tháng đầu năm 2017, tình hình kinh tế-xã hội của tỉnh phát triển ổn định ở đa số các ngành và lĩnh vực.

Tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 7,43%. Trong đó, ngành nông, lâm nghiệp, thủy sản tăng 2,6%; ngành công nghiệp và xây dựng tăng 8,28%; ngành dịch vụ tăng 7,89% và thuế sản phẩm tăng 6,98%. Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 8,95% so với cùng kỳ năm 2016. Thu ngân sách Nhà nước đạt gần 18.000 tỷ đồng, đạt 52,7% dự toán. Giải ngân vốn đầu tư ước 8 tháng đạt trên 3.000 tỷ đồng, bằng 52% kế hoạch.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng làm việc nhanh với một số lãnh đạo chủ chốt tỉnh Vĩnh Phúc về tình hình phát triển kinh tế-xã hội trên địa bàn.

Để đạt được kết quả nêu trên, tỉnh Vĩnh Phúc đã có nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh nhằm cụ thể hóa các nghị quyết của Chính phủ và của tỉnh.

Về thu hút vốn đầu tư, tính đến hết tháng 8/2017, toàn tỉnh có 249 dự án FDI còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký gần 3,8 tỷ USD; có 671 dự án FDI còn hiệu lực, với tổng số vốn đăng ký 66.000 tỷ đồng. Trong 8 tháng qua, tỉnh đã cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh cho 830 doanh nghiệp, tăng 52% về số doanh nghiệp và tăng 70% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2016.

Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho rằng kết quả phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh Vĩnh Phúc trong những tháng đầu năm là tích cực, nhiều lĩnh vực tăng trưởng cao hơn so với cả nước, do đó góp phần quan trọng để thực hiện các mục tiêu tăng trưởng của cả nước.

Bên cạnh đó, theo Phó Thủ tướng, tỉnh Vĩnh Phúc cũng đang đứng trước nhiều khó khăn, cần phải nỗ lực rất lớn để vượt qua. Tốc độ tăng trưởng của tỉnh, tuy ở mức khá, nhưng đã có dấu hiệu chậm lại khá rõ. Nguyên nhân chính, theo Phó Thủ tướng, đó là do Vĩnh Phúc còn thiếu những sản phẩm công nghiệp mới, có khả năng tạo giá trị gia tăng mới.

“Là tỉnh có cơ cấu kinh tế tập trung vào công nghiệp-dịch vụ, nếu không tiếp tục có những sản phẩm công nghiệp mới, cùng với đó, các ngành, sản phẩm chủ lực gặp khó khăn, phát triển chậm lại, thì chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến tăng trưởng của cả tỉnh”, Phó Thủ tướng nói.

Để bảo đảm tăng trưởng một cách bền vững, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đề nghị tỉnh cần có sự tính toán thật cụ thể, chi tiết những yếu tố ảnh hưởng, mức độ ảnh hưởng, từ đó đề ra những giải pháp khắc phục phù hợp.

Phó Thủ tướng cho rằng, tỉnh Vĩnh Phúc cần tiếp tục ưu tiên để cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh thông qua các chính sách thu hút đầu tư, sự quan tâm đến doanh nghiệp, cải cách hành chính, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

“Tỉnh phải coi doanh nghiệp là ‘công dân’ của mình, đi sâu, đi sát, thực sự quan tâm tìm hiểu khó khăn để giúp doanh nghiệp tháo gỡ”, Phó Thủ tướng nói.

Cùng với đó, Vĩnh Phúc cần nhận diện thật rõ nét những mặt còn hạn chế để có các giải pháp giữ vững tăng trưởng, bảo đảm nông nghiệp luôn phát triển ổn định, tháo gỡ khó khăn để phát triển các ngành, lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ; ưu tiên phát triển mạnh các khu công nghiệp, thu hút nhiều các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Tỉnh Vĩnh Phúc cũng cần phát huy tiềm năng thế mạnh riêng có về dịch vụ, du lịch, trong đó cần có chính sách ưu tiên, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư phát triển hạ tầng dịch vụ-du lịch, các cơ sở nghỉ dưỡng hiện đại, chất lượng cao tại 3 “trụ cột” du lịch của tỉnh là Tam Đảo, Tây Thiên và Đại Lải.