Khu Công nghiệp Phúc Yên, Vĩnh Phúc. (Nguồn: Báo Điện tử Đảng Cộng sản) |
9 tháng đầu năm 2023, trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới và trong nước gặp nhiều khó khăn, thách thức, tỉnh Vĩnh Phúc đã nỗ lực, đoàn kết thu được nhiều kết quả phát triển kinh tế - xã hội quan trọng.
Từ tốc độ tăng GRDP quý I năm 2023 giảm 0,5%, thuộc nhóm 5 tỉnh có mức tăng trưởng âm, đến giai đoạn tháng 6 tốc độ tăng GRDP của tỉnh đạt 1,69%, tháng 9 tăng 2,1%; GRDP theo giá hiện hành tăng 3,1%, là tỉnh duy nhất trong nhóm 5 tỉnh tăng trưởng âm phục hồi tăng trưởng. Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 5,49%; khu vực công nghiệp, xây dựng giảm 0,74%; khu vực dịch vụ tăng 8,43%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng 1,84%.
Những kết quả đó có được là nhờ sự tập trung lãnh đạo, chỉ đạo sát sao, kịp thời, quyết liệt và đồng bộ nhiều nhiệm vụ, giải pháp về tăng cường quản lý nhà nước về đầu tư công của lãnh đao tỉnh. Ngay từ cuối năm 2022, UBND tỉnh đã giao kế hoạch đầu tư công năm 2023 cho các chủ đầu tư, các huyện, các xã; thường xuyên rà soát, điều chỉnh kế hoạch vốn của dự án để điều chỉnh, điều hòa phù hợp tăng khả năng giải ngân vốn đầu tư cho dự án; chỉ đạo các huyện xây dựng kế hoạch giải phóng mặt bằng và lộ trình tháo gỡ các vướng mắc bồi thường giải phóng mặt bằng.
Đáng chú ý, tỉnh đã thành lập Tổ công tác đặc biệt thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và phân công cụ thể các đồng chí lãnh đạo tỉnh để chỉ đạo tiến độ thực hiện, giải ngân vốn đầu tư của các dự án trọng điểm; kịp thời tháo gỡ khó khăn vướng mắc nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch đầu tư công theo quy định.
Kết quả là, thu ngân sách Nhà nước của Vĩnh Phúc ước đạt 18,9 nghìn tỷ VND, bằng 58,3% so với dự toán và bằng 73,1% so với cùng kỳ. Giải ngân vốn đầu tư công đạt nhiều kết quả tích cực. Đến hết tháng 9, toàn tỉnh đã giao chi tiết vốn kế hoạch đầu tư công năm 2023 hơn 11.000 tỷ VND, giải ngân ước đạt hơn 5.600 tỷ VND, bằng 73,6% so với kế hoạch vốn Trung ương giao, cao hơn so với cùng kỳ năm 2022 (38,8%) và cao hơn so với mức bình quân chung của cả nước.
Nhờ chú trọng cải thiện môi trường đầu tư, tích cực tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp, thu hút đầu tư trở thành điểm sáng của tỉnh. Trong 9 tháng, toàn tỉnh đã thu hút được 491 triệu USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), tăng 67,7% so với cùng kỳ năm 2022 và đạt 122,8% kế hoạch; thu hút vốn DDI đạt hơn 20.000 tỷ đồng, vượt hơn 4 lần so với kế hoạch năm 2023.
Đáng chú ý là một số dự án đầu tư lớn hoàn thành và đi vào hoạt động như: Dự án nhà máy sản xuất linh kiện điện tử BHFLEX VINA 1; Dự án công nghiệp TYC Việt Nam; AEON MOTOR VIETNAM CO., LTD, Công ty TNHH UNI ‑ CALSONIC Việt Nam…
Dịch vụ, du lịch tiếp tục phát triển, với gần 7,67 triệu lượt khách đến tham quan, nghỉ dưỡng, tăng 16,5% so với cùng kỳ năm 2022. Các lĩnh vực văn hóa,y tế, giáo dục, an sinh xã hội, thể dục, thể thao đạt nhiều kết quả quan trọng… Công tác quốc phòng an ninh được chú trọng, tình hình trật tự, an toàn xã hội được giữ vững.
Trên cơ sở những mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội đã đề ra, lãnh đạo tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, trong quý IV, tỉnh sẽ tập trung triển khai các chính sách hỗ trợ phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội, với sự vào cuộc quyết liệt của các sở, ban, ngành.
Cụ thể, tỉnh sẽ tăng cường triển khai các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp; duy trì các hoạt động đối thoại với doanh nghiệp; tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp; chủ động kết nối, làm việc với các nhà đầu tư đến tìm hiểu môi trường đầu tư tại tỉnh; tạo điều kiện cho doanh nghiệp, người sản xuất mở rộng sản xuất, sử dụng hết năng lực hiện có, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh… Đồng thời, bảo đảm thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách an sinh xã hội và phát triển các lĩnh vực văn hóa - xã hội.
Với sự quyết tâm cao độ của toàn tỉnh Vĩnh Phúc, tin tưởng rằng, 3 tháng cuối năm 2023 sẽ là thời gian để tỉnh bứt phá thu “trái ngọt” về kinh tế, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân.