📞

VKFTA: Muốn chinh phục, phải am hiểu thị trường

10:57 | 15/10/2017
Ông Lê An Hải, Phó Vụ trưởng Vụ thị trường châu Á – châu Phi (Bộ Công Thương) nhận định, để chinh phục một thị trường “khó tính” như Hàn Quốc, các doanh nghiệp Việt Nam cần nỗ lực, đầu tư lâu dài và phải thực sự am hiểu thị trường.

Dù Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – Hàn Quốc (VKFTA) đã có hiệu lực nhưng các doanh nghiệp Việt Nam vẫn chưa tận dụng được hết những ưu đãi mà Hiệp định mang lại. Vậy theo ông, doanh nghiệp Việt khi xuất khẩu sản phẩm sang thị trường Hàn Quốc cần lưu ý những vấn đề gì?

Để chinh phục một thị trường “khó tính” như Hàn Quốc, các doanh nghiệp Việt Nam cần nỗ lực, đầu tư lâu dài và phải thực sự am hiểu thị trường. Thị trường nào cũng vậy, điều đầu tiên là phải quan tâm đến nhu cầu, tập tính văn hóa tiêu dùng của thị trường đó. Với thị trường Hàn Quốc, khi muốn thâm nhập, doanh nghiệp cần tìm hiểu xem thị trường này có những đặc điểm gì là then chốt vì chúng ta nên bán những thứ thị trường cần chứ không phải bán thứ mình đang có.

Doanh nghiệp cần nắm rõ nhu cầu thị trường, nhu cầu của từng sản phẩm kết hợp với tìm hiểu yếu tố văn hóa về thương phẩm hàng hóa để chắc chắn các sản phẩm của mình có thể đáp ứng đúng các tiêu chuẩn tối thiểu liên quan. Ví dụ, các sản phẩm như nông sản, thực phẩm thì thường phải chú ý đến vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm.

Ngoài ra, khi xuất khẩu hàng hóa sang Hàn Quốc, doanh nghiệp sẽ phải thông qua các nhà nhập khẩu hay các kênh phân phối của Hàn Quốc và họ luôn có những tiêu chuẩn, yêu cầu riêng về mẫu mã, thiết kế, bao bì… cũng như nhiều yếu tố khác liên quan đến sản phẩm. Đây cũng là điều cần lưu ý.

Như vậy, có 3 yếu tố quan trọng mà doanh nghiệp nào cũng cần chú ý đến khi đưa sản phẩm ra thị trường. Đầu tiên phải là chất lượng vì chất lượng kém thì không thể tiêu thụ được. Thứ hai là giá cả hàng hóa. Thứ ba, thiết kế mẫu mã phải gắn chặt với văn hóa tiêu dùng.

Ông Lê An Hải - Phó Vụ trưởng Vụ thị trường châu Á – châu Phi (Bộ Công Thương). (Ảnh: Nguyễn Việt)

Ngoài các yếu tố liên quan đến sản phẩm, doanh nghiệp cần chú ý đến những yếu tố nào khác nữa thưa ông?

Theo tôi, yếu tố hàng rào kỹ thuật, cách tiếp cận thị trường, hệ thống phân phối, xây dựng thương hiệu, thiết lập hệ thống đối tác tại thị trưởng sở tại… cũng là những yếu tố quan trọng. Bởi lẽ mỗi thị trường đều có yêu cầu riêng, mỗi quốc gia ở một chừng mực nào đó, họ đều có sự bảo hộ nhất định ưu cho các doanh nghiệp trong nước nếu như phải cạnh tranh với các sản phẩm tương tự từ bên ngoài. Ví dụ, thế mạnh của Việt Nam là nhóm sản phẩm hàng hóa gắn với nông lâm thủy sản thì các doanh nghiệp xuất khẩu sản phẩm này cũng cần lưu tâm.

Vậy để sản phẩm từ Việt Nam có thể hiện diện nhiều hơn tại một thị trường “khó tính” như Hàn Quốc thì các doanh nghiệp cần có bước chuẩn bị như thế nào?

Tôi nghĩ điều quan trọng là doanh nghiệp cần thiết lập một mạng lưới đối tác bên trong thị trường này. Phải làm sao đưa được hàng hóa của Việt Nam vào chuỗi giá trị của thị trường Hàn Quốc.

Lấy trường hợp sản phẩm giấy vệ sinh làm ví dụ. Về chất lượng và nguồn nguyên liệu là của Việt Nam nhưng thiết kế mẫu mã bao bì lại không phải do doanh nghiệp Việt Nam quyết định mà hoàn toàn do các doanh nghiệp đặt hàng quyết định. Những đối tác sẽ đưa ra quy cách, hình thức thậm chí họ yêu cầu thiết kế từ màu sắc đều phải làm theo. Vì vậy, không cách nào tốt hơn là chính chúng ta phải tìm cho mình những đối tác thật bền vững. Khi đó mới giữ được sự ổn định đơn hàng và trên cơ sở đó sẽ gắn thương hiệu hàng Việt với một hãng nổi tiếng, chuỗi phân phối nổi tiếng của thị trường sở tại.

Nông sản Việt Nam là một trong những mặt hàng nhận được nhiều ưu đãi từ VFFTA. (Nguồn: Doanh nhân Sài Gòn)

Và một khi đã khẳng định được chất lượng và thương hiệu của mình đối với hệ thống phân phối thì doanh nghiệp mới có thể đưa thêm nhiều sản phẩm vào thị trường. Đây là điều chúng tôi rất quan tâm trong bối cảnh cạnh tranh dữ dội với các quốc gia trong khu vực, như Thái Lan, Indonesia, Malaysia… hay lớn nhất là Trung Quốc.

Hiện nhiều doanh nghiệp đã hiểu khá rõ về thị trường Hàn Quốc cũng như cách thức để thâm nhập thị trường này. Nếu có sự hỗ trợ và đồng hành của các cơ quan chức năng thì thời gian không xa nữa sẽ có nhiều thương hiệu Việt nằm trên quầy, kệ của những siêu thị tại Hàn Quốc nói riêng hay các tập đoàn phân phối khác trên thế giới nói chung.

Xin cảm ơn ông!

(thực hiện)