📞

VN-Index giảm do tâm lý

18:14 | 18/01/2016
Sàn chứng khoán phiên 18/1, lực bán áp đảo cả sàn, VN-Index giảm một lèo từ lúc mở cửa đến khi khép phiên, lần lượt chạm qua các đáy.
Tâm lý bi quan do tác động từ bên ngoài đã kéo VN-Index giảm giá mạnh. (Nguồn: Vietnamnews)

Tâm lý bi quan

Đã có lúc chỉ số VN-Index giảm gần 20 điểm, để rồi đóng cửa phiên sáng giảm 17,36% điểm, tương đương 3,2% xuống mức 525,68 điểm. Thị trường ngày đầu tuần thực sự hoảng loạn, tâm lý bi quan bao trùm khiến toàn sàn nhuộm sắc đỏ. Lực bán tiếp tục tăng mạnh ở những cổ phiếu lớn. Trong đó, nhóm cổ phiếu dầu khí đã xảy ra hiện tượng bán tháo, giảm giá sâu như cổ phiếu GAS của Tổng Công ty Khí Việt Nam giảm 2.200 đồng xuống 32.100 đồng/cổ phiếu, cổ phiếu PVC của Tổng công ty Dung dịch khoan và Hóa phẩm dầu khí giảm 1.100 đồng xuống 11.800 đồng/cổ phiếu…

Chưa dừng lại, lực bán còn ồ ạt từ loạt cổ phiếu lớn, kéo sang nhóm cổ phiếu vừa đẩy hàng loạt cổ phiếu xuống giá sàn, sắc đỏ bao trùm. Thanh khoản tăng vọt khi tổng giá trị giao dịch trên hai sàn đạt hơn 1.600 tỉ đồng.

Lực cầu bắt đáy xuất hiện vào cuối phiên chiều đã khiến giao dịch trở nên tích cực hơn. Nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn VNM (Vinamilk), BVH (Tập đoàn Bảo Việt), FPT,  HSG (Tập đoàn Hoa Sen)… đã thu hẹp đà giảm. Tuy nhiên, cuối phiên 18/1, tổng cộng có đã 208 mã giảm giá trong đó có tới 54 mã giảm sàn. Kết thúc phiên giao dịch, chỉ số Vn-Index chỉ còn giảm 16,67 điểm (3,07%) xuống 526,37 điểm.

Giới quan sát cho rằng, chứng khoán Việt Nam đã bị cuốn theo vòng xoáy của thị trường thế giới những ngày đầu năm mới. Diễn biến tiêu cực từ giá dầu thế giới về dưới mức 29 USD/thùng trước thông tin Iran được dỡ bỏ cấm vận đang khiến giá dầu khí thế giới giảm mạnh, thị trường chứng khoán quốc tế bất ổn. Đặc biệt, chứng khoán Trung Quốc bị cho là đã rơi vào “tình trạng con gấu” sau khi giảm 20% vào ngày 15/1, so với mức đỉnh đạt được ngày 22/12/2015… Những yếu tố đó đã tác động đến tâm lý các nhà đầu tư trên sàn chứng khoán Việt Nam.

Theo thống kê, trong hai tuần đầu của năm 2016, chứng khoán Việt Nam đã mất 76.700 tỷ đồng, tương đương 3,5 tỉ USD giá trị vốn hóa (tính chung cho cả hai sàn Hà Nội và Tp.HCM). Chỉ số chứng khoán chủ chốt VN-Index mất tổng cộng 6,2% - trả lại tất cả những gì đã nỗ lực giành được trong năm 2015. Năm ngoái, VN-Index tăng 6,12%, kéo dài mạch tăng sang năm thứ tư liên tiếp.

Có chuyên gia cho rằng, chứng khoán Việt Nam đang nằm trong cung đường giảm mang tính chu kỳ, thị trường đang tiếp tục dò đáy để hoàn tất một con sóng giảm, sau đó sẽ bắt đáy đi lên. Tuy nhiên, vấn đề hiện nay là cầu bắt đáy vẫn đang sợ hãi, đứng ngoài nên xu hướng giảm vẫn đang áp đảo. Những tác động bên ngoài chỉ là một phần, quan trọng hơn bản thân thị trường chứng khoán Việt Nam chưa tìm được lực hỗ trợ nào đáng kể.

Tình hình có thật sự xấu?

Như vậy, việc nhiều thông tin thiếu tích cực đã đến cùng một lúc, tạo ra sự quá tải, khiến tâm lý nhà đầu tư có thể ngay lập tức quyết định “bán tháo” gỡ vốn, mà chưa kịp phân tích tình hình liệu có thật sự xấu không?. Động thái đua nhau bán ra đã lập tức khiến các chỉ số chứng khoán giảm sâu.

Tuy nhiên, với những số liệu thống kê kinh tế công bố mới đây, nếu nhìn nhận cẩn trọng hơn, có thể thấy nền kinh tế Việt Nam đang tốt lên, cơ chế chính sách, tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế đều có những dấu hiệu khả quan, giá xăng dầu giảm giúp giảm chi phí đầu vào cho doanh nghiệp, chi tiêu của người dân thoải mái hơn. Bên cạnh đó, hệ thống cơ sở hạ tầng được cải thiện trong năm 2016 sẽ tạo nhiều cơ hội cho doanh nghiệp.

Ngoài ra, cần nhìn nhận tích cực rằng, VN-Index giảm sâu đang giúp nhiều loại cổ phiếu rẻ hơn. Đây là cơ hội tốt hơn cho các nhà đầu tư. Tuy nhiên, điều này có vẻ đang đi ngược lại với suy nghĩ của nhiều người ở thời điểm hiện tại. Có thể trong khi mọi người đều cho rằng thị trường đang xấu, nhưng thực tế nó đang mở ra các cơ hội trong năm 2016.

Thêm trợ lực

Bước vào năm 2016, nhằm phát triển ổn định các thị trường vốn trong và ngoài nước, thu hút nguồn vốn ngoại cho thị trường chứng khoán, Việt Nam đã có nền tảng pháp lý rất quan trọng là Nghị định 60/2015/NĐ-CP của Chính phủ hướng dẫn Luật Chứng khoán, có hiệu lực từ tháng 9/2015.

Mới đây, trong Chương trình dân hỏi Bộ trưởng trả lời, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng đã cho biết, Bộ Tài chính đang tiếp tục triển khai một số giải pháp phát triển thị trường chứng khoán một cách bền vững và ổn định hơn. Trong đó, triển khai các giải pháp thu hút dòng vốn đầu tư gián tiếp từ nước ngoài thông qua thực hiện tốt Nghị định 60/2015/NĐ-CP, với quy định nới room cho nhà đầu tư nước ngoài; chuẩn bị các điều kiện nâng hạng cho thị trường chứng khoán Việt Nam từ mức cận biên lên mức mới nổi. Bên cạnh đó, giảm thủ tục và triển khai đăng ký mã số trực tuyến đối với nhà đầu tư nước ngoài, triển khai các chính sách liên quan đến các quỹ đầu tư, quỹ hưu trí tự nguyện để thu hút các dòng vốn đầu tư, tổ chức quốc tế để hỗ trợ cho thị trường chứng khoán và kênh dẫn vốn cho ngân hàng; tăng cường trao đổi xúc tiến đầu tư nước ngoài.

Thứ hai là kiên trì các giải pháp tái cơ cấu thị trường chứng khoán Việt Nam theo Đề án đã ký nhằm nâng cao tính minh bạch, tính bền vững và chất lượng hiệu quả hoạt động của thị trường chứng khoán. Thứ ba là chủ động triển khai các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp trong việc tranh thủ cơ hội và hạn chế tiêu cực sau khi gia nhập hiệp định thương mại và đầu tư. Và cuối cùng là tăng cường thanh kiểm tra để đảm bảo tính minh bạch của thị trường chứng khoán.