Sự thành công của Volkswagen được coi như một biểu tượng của nước Đức. (Nguồn: Dw) |
Volkswagen là hãng ô tô sở hữu nhiều thương hiệu xe sang hàng đầu như Porsche, Audi và Lamborghini, đã vượt qua Toyota của Nhật Bản để trở thành công ty sản xuất ô tô số 1 thế giới - xét về mặt doanh số trong tháng Bảy vừa qua. Không chỉ có danh tiếng về độ bền và chất lượng kỹ thuật, được khách hàng trên toàn cầu tin tưởng, hãng xe hạng sang này từng tuyên bố một cách hùng hồn rằng, xe của họ thân thiện với môi trường hơn các hãng ô tô khác. Bởi vậy, “hung tin” hãng xe Made in Germany bị phát hiện đã gian lận trong các bài kiểm tra khí thải nhiều năm liền, khiến những người tin yêu Volkswagen trên toàn cầu tức giận. Vụ việc tiếp tục lan rộng, khi Reuters đưa tin, hãng này đã tiết lộ, có đến 11 triệu chiếc xe bán ra trên toàn thế giới có liên quan đến bê bối này.
Không chỉ là lời nói dối
Hơn một triệu xe được Volkswagen bán ra trên thị trường Mỹ (trong tổng số 11 triệu chiếc trên toàn thế giới) bị phát hiện đã được trang bị một phần mềm tinh vi mà giới truyền thông gọi là “thiết bị nói dối”, cho phép phát hiện khi nào thì có “bài kiểm tra khí thải” để lập tức tự động chuyển sang chế độ sạch với môi trường. Trên thực tế, khi chiếc xe “sang” này chạy trên đường, mức phát thải đã cao gấp 10-40 lần tiêu chuẩn cho phép.
Theo CNBC, những cáo buộc nhằm vào Volkswagen được Cơ quan Bảo vệ môi trường Mỹ (EPA) đưa ra tuần trước, sau khi các nhà nghiên cứu độc lập đặt ra nghi vấn về mức độ phát thải của xe chạy diesel do Volkswagen sản xuất. Cáo buộc này khiến các cơ quan giám sát của Chính phủ Mỹ vào cuộc để tiến hành điều tra kỹ càng hơn. Khi được đề nghị giải thích, EPA cho biết, Volkswagen thừa nhận, xe của họ đã được gắn phần mềm gian lận.
Vụ việc này giờ có vẻ như đã biến thành một vấn đề toàn cầu. Vượt qua biên giới Mỹ, vụ gian lận của Volkswagen đã lan rộng khắp thế giới. Chính quyền các nước từ Pháp, Italy, Thụy Sỹ đến Hàn Quốc đều cho hay, họ sẽ tiến hành điều tra riêng. Đức - quê hương của Volkswagen, cũng dự kiến sẽ thực hiện các biện pháp kiểm tra bổ sung.
Volkswagen vừa tuyên bố họ sẽ dành ra 6,5 tỉ EUR, tương đương 7,3 tỉ USD, để thanh toán chi phí có thể phát sinh từ vụ bê bối. Nhưng có vẻ vẫn chưa ổn, vụ bê bối đã và đang thổi bay khoảng 1/3 giá trị thị trường của Volkswagen. Với việc cổ phiếu liên tục lao dốc trong những ngày qua, riêng cổ đông lớn của Volkswagen là Qatar đã mất khoảng 5 tỷ USD. Sự kiện có chiều hướng nặng nề hơn do Volkswagen còn bị cáo buộc đã cố gắng hạn chế tổn thất đối với bảng cân đối kế toán bằng các thủ thuật.
CEO của Volkswagen – ông Martin Winterkorn, đã nhanh chóng đưa ra lời xin lỗi và từ chức vào ngày 23/9. Tuy nhiên, hành động của ông không giúp ích gì nhiều. Hãng xe này vẫn phải đối mặt với án phạt lên đến 18 tỷ USD ở thị trường Mỹ và thậm chí con số sẽ lớn hơn nữa nếu hãng bị phát hiện có những vi phạm tương tự ở châu Á và châu Âu.
Hiện EPA chưa yêu cầu Volkswagen phải thu hồi toàn bộ số xe gian lận, nhưng có khả năng sẽ đưa ra yêu cầu này trong thời gian tới và buộc nhà sản xuất phải chịu các chi phí sửa chữa cần thiết. May mắn là EPA cho rằng, những chiếc xe có phần mềm gian lận của Volkswagen vẫn an toàn để sử dụng.
Hơn cả khủng hoảng nợ Hy Lạp
Thiệt hại về tài chính và chắc chắn uy tín của Volkswagen sẽ còn ảnh hưởng lớn đến công việc làm ăn của họ trong nhiều năm tới. Nhưng không chỉ có thế, theo nhận định của Reuters, vụ bê bối của Volkswagen đã gây ra một cú sốc lớn ở Đức và có thể phát triển thành nguy cơ lớn nhất đối với nền kinh tế quốc gia này. Thậm chí, một số chuyên gia còn cho rằng, ảnh hưởng của nó đối với nền kinh tế lớn nhất châu Âu này còn lớn hơn cả cuộc khủng hoảng nợ công Hy Lạp.
“Nếu doanh số của Volkswagen tại thị trường Bắc Mỹ sụt giảm trong những tháng sắp tới, thì điều đó không chỉ ảnh hưởng tới hãng này, mà còn tới cả toàn bộ nền kinh tế Đức”, Nhà kinh tế trưởng của ngân hàng ING - Carsten Brzeski nhận định.
Chỉ tính riêng thị trường Mỹ, năm 2014, Volkswagen đã bán được gần 600.000 xe, chiếm khoảng 6% trong tổng doanh số mà hãng này bán trên toàn cầu. Nếu doanh số sụt giảm, kể cả tiền phạt 18 tỷ USD - tương đương lợi nhuận của hãng trong năm 2014, những con số này đều nằm trong khả năng tài chính của Volkswagen, bởi hãng hiện nắm trong tay 21 tỷ Euro (24 tỷ USD) tiền mặt. Tuy nhiên, vụ bê bối đang làm dấy lên những quan ngại về khả năng Volkswagen sẽ mạnh tay cắt giảm việc làm. Volkswagen là hãng xe lớn nhất của Đức, đồng thời là một trong những doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động nhất ở nước này.
Một vấn đề đáng ngại nữa đối với Chính phủ Đức ở thời điểm hiện nay là nhiều công ty Đức, đặc biệt là các hãng xe, đang lo ngại bị “vạ lây”. Việc Volkswagen lừa dối khách hàng có thể dẫn tới hiệu ứng domino đối với công việc kinh doanh của họ bởi sự ngờ vực tất yếu của người tiêu dùng đối với hàng hóa sản xuất tại Đức.
Bất chấp những “lùm xùm” đang bủa vây Volkswagen, trong một tuyên bố ngày 23/9, Chính phủ Đức vẫn khẳng định, ngành công nghiệp ôtô sẽ tiếp tục là một trụ cột quan trọng của nền kinh tế. “Đó là một ngành công nghiệp có mức độ sáng tạo cao và rất thành công, đồng thời tạo nhiều công ăn việc làm, của nước Đức” - Phát ngôn viên của Bộ Kinh tế Đức nói. Tuy nhiên, giới phân tích đã cảnh báo Đức về sự phụ thuộc quá lớn của nền kinh tế trong nước vào ngành công nghiệp xe hơi.
Reuters đã điểm ra 7 yếu tố cho thấy sự phụ thuộc lớn của kinh tế Đức vào ngành công nghiệp ôtô: Cứ 10 chiếc ôtô được bán ra trên thế giới, lại có một chiếc thuộc các thương hiệu ô tô do Volkswagen sở hữu; Ngành công nghiệp ôtô là ngành công nghiệp lớn nhất ở Đức, đóng góp 2,7% GDP nước này; Khoảng 20% hàng xuất khẩu từ nước Đức là các loại xe và phụ tùng xe cộ; Doanh số bán xe hơi trong nước và xuất khẩu của Đức đạt 368 tỉ Euro, tương đương 411 tỉ USD, trong năm 2014; Đa phần số ôtô Đức bán ra mang các thương hiệu do hãng Volkswagen nắm giữ. Xe của Volkswagen sản xuất đem về 220 tỷ Euro doanh thu năm 2014; Gần 70% xe Volkswagen được bán ra bên ngoài biên giới nước Đức; Hãng Volkswagen tuyển dụng gần 600.000 nhân sự trên khắp thế giới và là nơi làm việc của 1/3 trong tổng số 775.000 người Đức (khoảng 2% lực lượng lao động Đức) làm việc trong ngành công nghiệp ô tô.
Đó là lý do mà Viện trưởng viện nghiên cứu kinh tế IW (Đức) - Michael Huether nhận định, “Vụ bê bối này không phải là chuyện nhỏ. Nền kinh tế Đức đã bị tấn công vào tận cốt lõi”. Theo ông này, một điều trớ trêu là, kinh tế Đức đã chống chọi tốt với cuộc khủng hoảng nợ châu Âu hay sự giảm tốc của kinh tế Trung Quốc, nhưng rủi ro lớn nhất lại xuất phát chính từ một doanh nghiệp của nước Đức.
Minh Anh