Vốn FDI đăng ký mới đạt 1,76 tỷ USD, tăng gấp 2,8 lần so với cùng kỳ năm ngoái. (Nguồn: VnEconomy) |
Số liệu vừa được Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) công bố, tính đến ngày 20/2/2023, tổng vốn FDI đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần, mua phần vốn góp của nhà đầu tư nước đạt gần 3,1 tỷ USD, giảm 38% so với cùng kỳ năm 2022.
Trong khi đó, vốn thực hiện của dự án FDI ước đạt khoảng 2,55 tỷ USD, giảm 4,9% so với cùng kỳ năm 2022.
Nhận xét về tình hình thu hút vốn đầu tư nước ngoài, Cục Đầu tư nước ngoài cho biết, vốn đầu tư thực hiện của các dự án FDI giảm so với cùng kỳ, song đã được cải thiện hơn. Đó là chỉ còn giảm 4,9% so với cùng kỳ, tăng 11,4 điểm phần trăm so với tháng 1/2023.
Trong khi đó, vốn đầu tư mới tăng mạnh cả về số dự án lẫn tổng vốn đăng ký. Cụ thể, trong 2 tháng đầu năm, có 261 dự án mới được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư (tăng 42,6% so với cùng kỳ), tổng vốn đăng ký đạt hơn 1,76 tỷ USD (tăng gần 2,8 lần so với cùng kỳ).
Vốn đăng ký mới tăng không chỉ vì số lượng dự án tăng, mà còn vì số dự án có vốn đăng ký trên 100 triệu USD cũng nhiều hơn so với cùng kỳ. Năm ngoái, trong 2 tháng đầu năm, chỉ có 1 dự án có vốn đăng ký trên 100 triệu USD, trong khi năm nay, có tới 4 dự án.
Trong số này, đáng chú ý có dự án Nhà máy công nghệ chính xác Fulian (Singapore), vốn đăng ký 621 triệu USD, với mục tiêu sản xuất linh kiện điện tử, máy vi tính.
Tuy vậy, trong khi vốn đăng ký mới tăng mạnh, thì vốn đầu tư điều chỉnh tiếp tục giảm mạnh so với cùng kỳ và giảm sâu hơn so với tháng 1/2023, do không có nhiều dự án điều chỉnh vốn lớn.
Cụ thể, 2 tháng đầu năm 2023, có 133 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư (giảm 6,3% so với cùng kỳ), tổng vốn đăng ký tăng thêm đạt gần 535,4 triệu USD (giảm 85,1% so với cùng kỳ). Mức tăng về số lượt dự án điều chỉnh vốn so với cùng kỳ trong tháng 1/2023 cũng không còn được duy trì trong 2 tháng đầu năm.
Trong tháng 1/2023, số lượt dự án điều chỉnh vốn tăng 25,4% so với cùng kỳ, song trong 2 tháng đầu năm 2023, con số này giảm 6,3% so với cùng kỳ.
Ngược lại, góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đã được cải thiện hơn nhiều so với tháng 1/2023, tăng cả về số lượt góp vốn, mua cổ phần và giá trị vốn góp.
Số liệu thống kê cho thấy, trong 2 tháng qua, có 440 lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài (tăng 10% so với cùng kỳ), với tổng giá trị vốn góp đạt gần 797,9 triệu USD (tăng 3,7% so với cùng kỳ).
Những số liệu trên cho thấy, thu hút đầu tư nước ngoài vào Việt Nam vẫn chưa được cải thiện nhiều, dù các khẳng định từ các đối tác đều cho thấy, Việt Nam là điểm đến hấp dẫn và an toàn.
Ở góc độ khác, Cục Đầu tư nước ngoài cho biết, trong 2 tháng qua, các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 17 ngành trong tổng số 21 ngành kinh tế quốc dân.
Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đạt hơn 2,17 tỷ USD, chiếm 70,1% tổng vốn đầu tư đăng ký.
Ngành hoạt động kinh doanh bất động sản đứng thứ hai, với tổng vốn đầu tư gần 396,9 triệu USD, chiếm hơn 12,8% tổng vốn đầu tư đăng ký. Tiếp theo lần lượt là các ngành bán buôn, bán lẻ; vận tải kho bãi với tổng vốn đăng ký đạt lần lượt là gần 202,1 triệu USD và gần 141,9 triệu USD. Còn lại là các ngành khác.
Nếu theo đối tác đầu tư, trong 2 tháng đầu năm, có 51 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam. Trong đó, Singapore dẫn đầu với tổng vốn đầu tư hơn 978,4 triệu USD, chiếm gần 31,6% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam, giảm 42,7% so với cùng kỳ 2022; Đài Loan đứng thứ hai với gần 407,1 triệu USD, chiếm 13,1% tổng vốn đầu tư, gấp 3,85 lần so với cùng kỳ.
Hà Lan đứng thứ 3 với tổng vốn đầu tư đăng ký gần 369 triệu USD, chiếm hơn 11,9% tổng vốn đầu tư. Tiếp theo là Trung Quốc, Hàn Quốc, Thụy Điển...
Tuy nhiên, xét về số dự án, Trung Quốc là đối tác dẫn đầu về số dự án đầu tư mới (chiếm gần 17,2%); Hàn Quốc dẫn đầu về số lượt điều chỉnh vốn (chiếm 21,1%) và góp vốn, mua cổ phần (chiếm 30,5%).