📞

Vốn hóa vượt cả quy mô nền kinh tế Anh, vị thế của Apple có ý nghĩa thế nào với cuộc chiến Mỹ-Trung?

Nga Đỗ 13:45 | 14/12/2021
Việc giá trị của Apple tăng mạnh phản ánh tình hình mới nhất của cuộc chiến công nghệ Mỹ-Trung, đó là “Phương Đông đi xuống, phương Tây đi lên”.

Cuối tuần qua, giá cổ phiếu Apple đã ghi nhận phiên tăng thứ 4 liên tiếp và đóng cửa ở mức 179,45 USD/cổ phiếu, đạt kỷ lục mới. Hiện nay, giá trị vốn hóa của “gã khổng lồ” Mỹ đã lên tới 2.944 tỷ USD.

Theo nhà phân tích Katy Huberty của Morgan Stanley, nếu giá cổ phiếu tăng lên 182,85 USD, giá trị thị trường của Apple sẽ đạt 3.000 tỷ USD. Trong trường hợp giá cổ phiếu tăng lên 200 USD, giá trị thị trường của Apple sẽ đạt 3.300 tỷ USD. Những khả năng này là hoàn toàn có thể xảy ra.

Trước năm 2018, trên thị trường không có công ty nào có giá trị vốn hóa vượt 1.000 tỷ USD. Apple đã trở thành công ty đầu tiên có vốn hoá thị trường vượt mốc 1.000 tỷ USD và tiếp tục phá mốc 2.000 tỷ USD vào năm 2020.

Vào mùa mua sắm cuối năm nay, Apple đang đứng trước cơ hội lớn đạt mốc vốn hóa thị trường trên 3.000 tỷ USD.

Việc giá trị của Apple tăng mạnh phản ánh tình hình mới nhất của cuộc chiến công nghệ Mỹ-Trung. (Nguồn: NS Business)

Ngưỡng 3.000 tỷ USD có ý nghĩa như thế nào?

Theo tờ Tin tức Thế giới, hiện nay chỉ có Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản và Đức là những nước có Tổng sản phầm quốc nội (GDP) vượt mốc 3.000 tỷ USD, trong đó, Đức đứng thứ tư với GDP 3.800 tỷ USD vào năm 2020.

Như vậy, với mức vốn hóa thị trường vượt mốc 3.000 tỷ USD, Apple sẽ trở thành “nền kinh tế lớn thứ 5 thế giới”, đứng trên cả Anh, quốc gia có GDP đạt 2.700 tỷ USD.

Nguyên nhân cơ bản khiến giá cổ phiếu Apple tăng đột biến là doanh số bán điện thoại iPhone và các sản phẩm khác của Apple tiếp tục tăng, đặc biệt là sự ra mắt của iPhone 5G vào mùa Thu năm ngoái đã tạo nên “siêu chu kỳ” của iPhone.

Từ quý IV/2020 đến quý III/2021, doanh thu bán hàng theo quý của Apple lần lượt tăng 21%, 54%, 36% và 29%. Tuy nhiên, trong gần một tháng lại đây, giá cổ phiếu của tập đoàn này tăng mạnh nhờ thông tin về các sản phẩm mới.

Một tháng trước, giá cổ phiếu của Apple vẫn dao động ở mức 150 USD/cổ phiếu, nhưng vào giữa tháng 11/2021, hãng tin Bloomberg đưa tin rằng "Quả táo" đã đạt được nhiều tiến bộ trong việc sản xuất ô tô tự lái. Hãng này sẽ không chỉ phát triển phần mềm tự lái mà có thể ra mắt chiếc xe tự lái iCar vào năm 2025.

Ngay sau khi thông tin được đưa ra, giá cổ phiếu của Apple đã tăng mạnh. Trên thế giới hiện có 1,4 tỷ ô tô chạy xăng và chỉ có 6,5 triệu ô tô chạy điện, cho nên, nhiều chuyên gia dự đoán sản phẩm xe tự lái của Apple ra đời chắc chắn sẽ chiếm lĩnh thị trường.

Sở dĩ nhà phân tích Katy Huberty nâng giá mục tiêu của cổ phiếu Apple lên mức 200 USD/cổ phiếu là do vào năm tới, dự kiến Apple sẽ cho ra mắt kính thực tế ảo (AR/VR). Sản phẩm này có thể giúp giá cổ phiếu của hãng tăng thêm khoảng 20 USD. “Công nghệ ảo” là xu hướng nóng nhất tại Thung lũng Silicon năm 2021.

Các “ông lớn” công nghệ như Facebook, Google, Microsoft và Nvidia đều đã đầu tư vào nghiên cứu và phát triển lĩnh vực này. Tuy nhiên, một số nhà phân tích chỉ ra rằng, Apple rất có thể sẽ tạo ra hướng đi mới cho ngành công nghiệp ảo vốn đang ở trong tình trạng chưa rõ ràng này.

Kính thực tế ảo của Apple chủ yếu kết nối Internet, người dùng không chỉ dùng nó để chơi điện tử, mà còn có thể xem thông tin trực tuyến bằng kính này.

Liệu giá cổ phiếu của Apple có quay đầu giảm trong ngắn hạn sau khi chạm mốc kỷ lục mới? Phần lớn chuyên gia cho rằng điều đó khó xảy ra. Do hiện nay đang trong mùa mua sắm, cho nên, nhu cầu thị trường về iPhone 13 là rất lớn.

Theo nhà phân tích Dan Ives ngày 9/12, doanh thu bán hàng quý trước của Apple đã giảm 6 tỷ USD do thiếu chip, nhưng vấn đề nguồn cung trong quý này không quá nghiêm trọng, hơn nữa, nhu cầu thị trường đối với iPhone 13 rất lớn, hiện đã vượt 15% so với nguồn cung.

Do vậy, dù nguồn cung có giảm từ 10-13 triệu chiếc, nhưng doanh số bán hàng thực tế đạt 40 triệu chiếc, vẫn tăng so với cùng kỳ năm trước.

Góc nhìn rộng lớn hơn

Xét ở bình diện quốc gia, việc giá trị của Apple tăng mạnh phản ánh tình hình mới nhất của cuộc chiến công nghệ Mỹ-Trung, đó là “Phương Đông đi xuống, phương Tây đi lên”.

Kể từ mùa Hè năm nay, chính sách kiểm soát ngành công nghệ của chính phủ Trung Quốc không chỉ cản trở sự phát triển của ngành công nghiệp Internet nước này, mà còn mang đến cho các công ty công nghệ Mỹ nhiều cơ hội phát triển hơn.

20 năm qua là khoảng thời gian mà cuộc cách mạng công nghệ phát triển mạnh mẽ. Đại dịch Covid-19 bùng phát vào năm ngoái tạo điều kiện thuận lợi cho cuộc cách mạng công nghệ tăng tốc tối đa, tạo ra những bước tiến dài theo hướng số hóa. Mọi hoạt động như làm việc, học tập tại nhà và kết nối với nhau đều phải dựa vào Internet và công nghệ kỹ thuật số.

Tuy nhiên, chính phủ Trung Quốc đã cố gắng kiểm soát các công ty Internet Trung Quốc, biến dữ liệu người dùng mà các công ty này dựa vào để phát triển thành sở hữu nhà nước và quy định rằng các thuật toán đằng sau nền tảng trực tuyến của các công ty Internet như Tencent phải được chính quyền phê duyệt.

Những biện pháp kiểm soát như vậy đã hạn chế rất nhiều sự phát triển của các công ty công nghệ, song lại giúp các hãng công nghệ Mỹ như Apple, Facebook, Google, Microsoft và Amazon thống lĩnh hoàn toàn thị trường toàn cầu bên ngoài Trung Quốc chỉ trong vòng hai năm.

Chính phủ Trung Quốc nhấn mạnh sự đổi mới công nghệ và khả năng tự lực cánh sinh về công nghệ bán dẫn, nhưng trên thực tế, lại kiểm soát chặt chẽ, làm mất đi rất nhiều cơ hội đổi mới của các doanh nghiệp tư nhân.

Trong vấn đề tự lực cánh sinh ở lĩnh vực công nghệ bán dẫn, việc này càng khó hơn bởi các hoạt động thiết kế và sản xuất chip tiên tiến của Trung Quốc đã phải chịu lệnh cấm vận do Mỹ áp đặt vào năm 2019.

Các thiết bị cần thiết cho việc thiết kế và sản xuất chip tiên tiến nhất thế giới đến từ 4 công ty bao gồm ASML ở Hà Lan, ARM ở Anh và hai hãng ở Thung lũng Silicon đều bị chính quyền Tổng thống Trump và sau này là chính quyền Tổng thống Biden cấm bán cho Trung Quốc.

Dưới tác động của lệnh cấm trên, doanh số bán điện thoại di động của Huawei, vốn đứng đầu thế giới trước lệnh cấm, đã giảm xuống vị trí thứ 5. Thị phần toàn cầu của hãng này cũng giảm từ 14% xuống dưới 4%.

Do thiếu chip tiên tiến, doanh số bán hàng quốc tế của sản phẩm điện thoại cao cấp Huawei đã tụt dốc không phanh.

Trước lệnh cấm, thiết bị 5G của Huawei đứng thứ hai thế giới về thị phần, nhưng sau khi có lệnh cấm, doanh số bán hàng quốc tế trong lĩnh vực này giảm mạnh, giờ chủ yếu “lưu hành nội bộ” và phát triển ở các nước thuộc thế giới thứ ba.

Trước khi lệnh cấm được chính quyền Mỹ ban hành, Trung Quốc đã lạc hậu ít nhất 10-15 năm về công nghệ chip tiên tiến.

Sau khi có lệnh cấm, các quốc gia và vùng lãnh thổ có thế mạnh về công nghệ như Mỹ, Đài Loan (Trung Quốc) và Hàn Quốc vẫn không ngừng cạnh tranh trong lĩnh vực công nghệ bán dẫn, liên tục đổi mới công nghệ chip.

Do đó, nếu lệnh cấm càng kéo dài, mức độ lạc hậu của Trung Quốc trong lĩnh vực công nghệ chip có thể tăng lên tới 20 năm.

(tổng hợp)