Mỹ áp đặt trừng phạt với công ty Ấn Độ do mua bán dầu với Iran. (Nguồn: Reuters) |
Cụ thể, Bộ Tài chính Mỹ cho biết, công ty Ấn Độ nói trên "mua lượng sản phẩm hóa dầu trị giá hàng triệu USD" để "chuyển tới Trung Quốc".
Theo phía Mỹ, Tibalaji đã mua các sản phẩm hóa dầu, bao gồm methanol và dầu gốc để chuyển tiếp sang Trung Quốc, thông qua các giao dịch do Mạng lưới Công ty Hóa dầu Triliance môi giới đã bị xử phạt trước đó.
Tibalaji là một trong 8 công ty có tên trong vòng trừng phạt mới nhất. Các công ty khác có trụ sở tại Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE), Hong Kong (Trung Quốc) và Trung Quốc.
Bộ Tài chính Mỹ cho biết, theo lệnh trừng phạt, tất cả các tài sản và lợi ích ở Mỹ của tám công ty trên, hoặc những công ty mà họ có ít nhất 50% cổ phần, sẽ bị phong tỏa và báo cáo cho Văn phòng Kiểm soát Tài sản Nước ngoài (OFAC).
Lệnh trừng phạt cũng áp dụng cho bất kỳ người Mỹ nào nắm giữ tài sản của các công ty đó. Những người tham gia vào các giao dịch nhất định cũng có thể phải đối mặt với các biện pháp trừng phạt.
Theo nguồn tin tại New Delhi, Ấn Độ tuân thủ các lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Tehran và các công ty của nước này đã hạn chế nhập khẩu các sản phẩm dầu mỏ từ Iran.
Hầu hết các lệnh trừng phạt của Mỹ đã được dỡ bỏ sau khi Iran đạt được thỏa thuận với 5 thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và Đức năm 2015. Nhưng các biện pháp trừng phạt đã được nối lại sau khi cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump rút khỏi thỏa thuận và Tehran tái khởi động chương trình vũ khí hạt nhân.
Theo Bộ trưởng Tài chính Mỹ Brian Nelson, Mỹ cam kết hạn chế nghiêm ngặt hoạt động bán dầu và hóa dầu của Iran mà Mỹ cho là bất hợp pháp.
Vị quan chức cảnh báo rằng, Washington sẽ thực thi các biện pháp trừng phạt ngay khi Iran từ chối việc hai bên quay trở lại thực hiện đầy đủ thỏa thuận hạt nhân.