Nỗ lực khắc phục những điểm yếu
Ngay trước thềm giải đấu, HLV Thái Thanh Tùng vẫn chưa hết băn khoăn về sự thiếu hụt lực lượng và tất nhiên đi kèm với đó là khả năng chinh phục ngôi cao nhất. Bởi với đội hình từng vô địch VTV Cup 2014, giải năm nay thiếu vắng nhiều vị trí quan trọng như các mũi tấn công Ngọc Hoa, Bùi Thị Ngà, Đỗ Thị Minh, Nguyễn Thị Xuân, hay VĐV có khả năng chuyền 1 và phòng thủ rất tốt Âu Hồng Nhung…
Dẫu vậy, HLV Thái Thanh Tùng có thể tạm yên tâm về khả năng tấn công của các VĐV, với các vị trí của Trần Thị Thanh Thúy, Hà Ngọc Diễm, Đinh Thị Thúy, của “chị già” Kim Huệ đang chơi rất ổn định, chưa kể sự tiến bộ của Dương Thị Hên, Đoàn Thị Xuân…Tuy nhiên, vẫn còn đó nỗi lo thường trực của thầy trò vị HLV người Thái Bình: khâu bắt bước 1 và phòng thủ hàng sau – hai tác nhân trực tiếp gây nên thất bại đáng tiếc của đội tuyển nữ Việt Nam tại giải đấu cấp châu lục vừa diễn ra trên sân nhà.
VTV Cup 2016 là cơ hội cho các tuyển thủ trẻ. |
Sau khi trở về từ Cúp bóng chuyền nữ vô địch châu Á 2016 diễn ra tại Vĩnh Phúc – một giải đấu được coi là thất bại của đội tuyển Việt Nam (chỉ đứng vị trí thứ 7 trong 8 đội tham dự), HLV Thái Thanh Tùng và các học trò chỉ có quãng thời gian rất ngắn để chuẩn bị cho VTV Cup 2016.
Cup bóng chuyền nữ vô địch châu Á 2016 cho thấy sự tụt lùi của bóng chuyền Việt Nam và một điều dễ nhận thấy chính là “tre đã già nhưng măng chưa kịp lớn”. Đặc biệt, kỹ thuật cá nhân của các tuyển thủ không tốt, dù có lợi thế lớn về thể hình. Khoảng cách trình độ của các vận động viên trẻ với các cựu binh vẫn còn khá lớn. Vấn đề ở đây không nằm ở nội tại đội tuyển mà nằm ở phần ngọn của bóng chuyền Việt Nam, khi ẩn sâu dưới đó là sự yếu kém của cả một hệ thống đào tạo, bắt nguồn từ phía các câu lạc bộ.
Và HLV Thái Thanh Tùng cùng các trợ lý đang tỏ rõ quyết tâm tìm cách khắc phục hai điểm yếu cố hữu của các cô gái chân dài Việt Nam: Nỗ lực uốn nắn, tập rất nhiều bài chuyền 1 và phòng thủ hàng sau cho các VĐV suốt thời gian qua. Các tuyển thủ cũng đang thể hiện sự cố gắng vượt bậc trong tập luyện để thay đổi, hay chí ít cũng khắc phục được phần nào những “điểm yếu truyền thống” này của mình.
Tuy nhiên, với một quỹ thời gian quá ngắn - chỉ chưa đầy 3 tuần, việc điều chỉnh sẽ không hề dễ dàng, bởi những kỹ thuật của các VĐV đã hình thành từ dưới CLB và dường như đã thấm vào máu và trở thành “căn bệnh kinh niên” rồi.
Cơ hội cho các tuyển thủ trẻ tài năng
Việc thiếu vắng những tuyển thủ quan trọng sẽ là bài toán khó cho HLV Thái Thanh Tùng và trợ lý Nguyễn Tuấn Kiệt. Nhưng Ban huấn luyện đã xác định có đến đâu sẽ dùng đến đó, mục tiêu là cố gắng vào càng sâu càng tốt… Đó có thể là trận Chung kết và hy vọng các tuyển thủ trẻ có những trận đấu cống hiến, thể hiện khát khao chiến thắng.
Thực ra, nếu ĐT Việt Nam đặt mục tiêu vô địch ở giải đấu năm nay thì tính khả thi cũng khá cao. Bởi, trong 5 đội khách mời, ngoài hai đội có khả năng gây bất ngờ là CLB Chonburi (Thái Lan) và đội tuyển Indonesia thì đội Đại học Từ Châu (tỉnh Giang Tô, Trung Quốc) quá yếu, trong khi tuyển trẻ Trung Quốc cũng khá non và CLB Nagasaki (Nhật Bản) không đáng ngại.
Qua 3 trận ở lượt đấu đầu tiên, có thể thấy, các đối thủ ở giải đấu năm nay không quá “khủng” và không “xương” bằng các giải trước. Vấn đề cốt lõi của của các cô gái bóng chuyền Việt Nam là quên ngay thất bại ở Cup châu Á, tiếp tục đà hưng phấn sau chiến trận thắng ở trận ra quân và cố gắng hạn chế những điểm yếu “sở trường” của mình.
Với việc cây chuyền hai Linh Chi và chủ công Đinh Thị Thúy đang trở lại, Trần Thị Thanh Thúy tiếp tục tỏa sáng, Đoàn Thi Xuân tiến bộ hàng ngày, các tân binh Nguyễn Thị Trinh, Dương Thị Hên, Nguyễn Thu Hoài đang khát khao chứng tỏ mình…, chẳng có lý do gì có thể khiến đội tuyển Việt Vam không thành công ở giải năm nay.
Xuân Hồng