ASEAN không thảo luận việc áp giá trần dầu Nga. (Nguồn: Globly News) |
Ngày 2/9, Các Bộ trưởng Tài chính Nhóm Các nền công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) xác nhận kế hoạch áp giá trần đối với dầu của Nga và kêu gọi tất cả các nước tham gia sáng kiến này.
Trước đó, Ủy viên Kinh tế châu Âu Paolo Gentiloni cho biết, mục tiêu của Ủy ban châu Âu (EC) là đưa ra mức giá trần phù hợp với thời hạn đã thống nhất theo gói trừng phạt thứ 6 của EU, tức là ngày 5/12/2022 đối với dầu thô và ngày 5/2/2023 đối với các sản phẩm dầu mỏ.
Phát biểu bên lề Tuần lễ Năng lượng Nga khi bình luận về sáng kiến của G7, ông Utama nhấn mạnh: “Trước hết, không một nước ASEAN nào là thành viên của G7, chúng tôi là thành viên của G20, chúng tôi không thảo luận cụ thể vấn đề này (việc G7 đưa ra mức trần giá đối với tài nguyên năng lượng của Liên bang Nga).
Chúng tôi đối xử bình đẳng với tất cả các quốc gia vì năng lượng thuộc về tất cả mọi người, năng lượng không có biên giới. Không có năng lượng tất cả sẽ gặp vấn đề”.
Theo ông Utama, ASEAN không thảo luận cụ thể vấn đề này và không đặt vấn đề theo hướng “ủng hộ hay không ủng hộ” bên nào.
Về phía Nga, phát biểu bên lề Tuần lễ Năng lượng Moscow, người đứng đầu Gazprom Neft, ông Alexender Dyukov thông tin, tập đoàn này không có ý định cung cấp dầu cho các quốc gia áp đặt mức giá trần.
Ông Duykov nói: “Theo Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak, nếu mức giá trần được đưa ra, thì chúng tôi sẽ không cung cấp dầu cho những quốc gia áp đặt mức giá trần này".
Người đứng đầu Gazprom Neft dự đoán, giá dầu vẫn ổn định trong khoảng từ 80-100 USD/thùng trong một thời gian dài.