Giới chức hải quan Canada đã nhận được một cuộc gọi bất thường từ FBI một ngày trước khi Giám đốc tài chính Huawei bị bắt. (Nguồn: The Straits Times) |
Reuters cho biết, trong phiên tranh tụng tại Tòa thượng thẩm British Columbia (Canada) ngày 30/10, Bryce McRae, một quan chức thuộc Cơ quan Hải quan Canada (CBSA), cho biết một ngày trước vụ bắt giữ Giám đốc tài chính Huawei Mạnh Vãn Chu, ông đã nhận được cuộc gọi từ một nhân viên của FBI.
Người này đã hỏi ông liệu ai trực vào ngày hôm sau. Ông cho biết ông sẽ trực vào ngày hôm sau và cho nhân viên FBI thông tin liên lạc nhưng không biết vì sao họ muốn thông tin này. Theo lời ông McRae, cuộc gọi kéo dài chỉ khoảng "một đến hai phút" và khá "bất thường".
Ông McRae cũng nói rằng, FBI thực tế đã không gọi cho đặc vụ tại sân bay quốc tế Vancouver vào hôm 1/12/2018 khi bà Mạnh bị bắt giữ tại đây. McRae là một trong các quan chức của Canada đưa ra lời khai tại tòa án liên quan đến vụ bắt giữ bà Mạnh Vãn Chu trong đợt tranh tụng diễn ra trong tuần này và cuối tháng sau.
Nhóm luật sư của bà Mạnh cho rằng, FBI đã phối hợp với CBSA, cảnh sát Canada và một số cơ quan khác để tiến hành "một cuộc điều tra tội phạm bí mật" vào thời điểm bắt giữ bà Mạnh.
Trong phiên tranh tụng tại tòa hồi đầu tuần, Winston Yep, sĩ quan của Lực lượng Cảnh sát Hoàng gia Canada, nói rằng cơ quan của ông đã nhận được trát bắt giữ bà Mạnh "ngay lập tức" hôm 1/12/2018. Tuy nhiên, thay vì bắt bà Mạnh ngay trên máy bay, cảnh sát Canada chờ đến sau khi giới chức hải quan tiến hành thẩm vấn và thu giữ thiết bị điện tử cá nhân của bà Mạnh trong vài giờ đồng hồ.
Ông Yep cho biết, điều này là do cảnh sát Canada lo ngại đến sự an toàn của các hành khách khác trên chuyến bay. Tuy nhiên, luật sư của bà Mạnh cho rằng đây không phải một quy trình thông thường và vi phạm các điều khoản về lệnh bắt giữ.
Bà Mạnh Vãn Chu, 48 tuổi, Giám đốc tài chính Huawei và là con gái nhà sáng lập Nhậm Chính Phi, đã bị giới chức Canada bắt giữ hôm 1/12/2018 theo đề nghị của phía Mỹ. Bà bị cáo buộc lừa ngân hàng HSBC xử lý các giao dịch liên kết với Iran, khiến ngân hàng có nguy cơ vi phạm lệnh trừng phạt của Mỹ với Iran.
Bà Mạnh đang được tại ngoại tại Canada, nhưng tiếp tục đối mặt với nguy cơ bị dẫn độ sang Mỹ và nếu bị kết tội tại Mỹ, bà có thể đối mặt với 30 năm tù. Giám đốc tài chính và Huawei nhiều lần bác bỏ cáo buộc này. Giới quan sát cho rằng, cuộc chiến pháp lý của bà Mạnh nhằm chống lại lệnh dẫn độ có thể mất vài năm.
Trong một diễn biến liên quan khác, Phó Chánh án Tòa án Thượng thẩm British Columbia Heather Holmes hôm qua ra phán quyết, bà Mạnh có thể đưa ra một số bằng chứng bổ sung để củng cố lập luận rằng yêu cầu dẫn độ bà từ Canada sang Mỹ có nhiều uẩn khúc.
Các bằng chứng bao gồm các email cho thấy ngân hàng HSBC nhận thức rõ về mối quan hệ kinh doanh của Huawei ở Iran nên không thể nói bà Mạnh lừa đảo thông tin để lách lệnh trừng phạt.
| Kinh tế thế giới nổi bật tuần qua (23-29/10): Tin vui bất ngờ từ Thỏa thuận Mỹ-Trung Quốc giai đoạn 1, Italy dùng quyền phủ quyết đặc biệt với Huawei TGVN. Lần đầu tiên Italy phủ quyết một thỏa thuận với Huawei, kết quả thực hiện Thỏa thuận thương mại Mỹ-Trung Quốc có tiến bộ ... |
| Huawei ra mắt Petal Maps và Docs để khỏa lấp cuộc sống 'không Google' TGVN. Huawei đang nỗ lực với cuộc sống “không Google” bằng cách bổ sung những mảnh ghép còn thiếu trong hệ sinh thái của mình. |
| Đại sứ Trung Quốc tại Canada phát ngôn gây tranh cãi, Bắc Kinh quay sang chỉ trích Otawa TGVN. Ngày 19/10, Bắc Kinh chỉ trích Ottawa đã “bỏ qua” những bình luận tiêu cực xuất hiện trên các phương tiện truyền thông của ... |