Lực lượng hải quân vận chuyển các vật liệu thu hồi được từ chiếc khinh khí cầu bị bắn hạ ngoài khơi Nam Carolina về để tình báo Mỹ nghiên cứu hôm 10/2. (Nguồn: US Navy) |
Ngày 14/2, Điều phối viên truyền thông chiến lược của Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ John Kirby tuyên bố: "Đến nay, chưa có bất kỳ dấu hiệu hay điều gì cụ thể cho thấy 3 vật thể này là một phần của chương trình khinh khí cầu do thám của Trung Quốc hoặc có liên quan các nỗ lực thu thập thông tin tình báo bên ngoài".
Theo ông Kirby, 3 vật thể nói trên, bao gồm 2 vật thể bị bắn rơi ở Mỹ và một vật thể ở Canada, "có thể là những quả bóng bay được gắn đơn giản với các thực thể thương mại hoặc nghiên cứu nên không gây ra nguy hiểm" và đây có thể là lời giải thích khả dĩ nhất.
Tuy nhiên, ông nhấn mạnh, Bắc Kinh đang thực hiện một "chương trình có chủ ý, được tài trợ tốt" để sử dụng khinh khí cầu tầm cao, khó phát hiện nhằm do thám Mỹ và các quốc gia khác.
Các quan chức Mỹ cho biết, việc bắn hạ khinh khí cầu của Trung Quốc - mà Washington cho là phương tiện do thám - ở ngoài khơi Nam Carolina hôm 4/2 đã kích hoạt cảnh báo cao độ, dẫn đến việc bắn hạ 3 vật thể không xác định sau đó.
Theo Lầu Năm Góc và Nhà Trắng, việc tìm hiểu tận cùng 3 vật thể bí ẩn trở nên khó khăn hơn do điều kiện địa lý và thời tiết cản trở các đội tìm các mảnh vỡ.
Việc phát hiện các vật thể trên bầu trời Bắc Mỹ cũng khiến nhiều quốc gia cảnh giác hơn với các vật thể vi phạm không phận của mình. Đặc biệt, sau khi hồi tuần trước, Nhà Trắng cho biết, khinh khí cầu Trung Quốc đã được phát hiện ở 5 châu lục nhưng không tiết lộ vị trí cụ thể.
Ngày 14/2, chính phủ Nhật Bản cho rằng, 3 vật thể bay không xác định được phát hiện trên bầu trời lãnh thổ nước này trong 3 năm 2019-2021 có thể là khinh khí cầu do thám của Trung Quốc.
Theo một quan chức Bộ Quốc phòng Nhật Bản, đây là lần đầu tiên Tokyo đưa ra tuyên bố như vậy kể từ khi Mỹ bắn hạ khinh khí cầu Trung Quốc.
Trước đó hai ngày, Bộ trưởng Quốc phòng Anh Ben Wallace tuyên bố sẽ tiến hành rà soát an ninh sau vụ khinh khí cầu Trung Quốc xâm nhập không phận phương Tây.
Theo quan chức Anh, nước này và các đồng minh "sẽ đánh giá những vụ xâm phạm không phận này có ý nghĩa gì đối với an ninh”.
Trung Quốc liên tục bác cáo buộc của Nhà Trắng về chương trình khinh khí cầu do thám. Bắc Kinh khẳng định, chiếc khinh khí cầu bị Mỹ bắn hạ phục vụ mục đích dân sự nhằm quan trắc và nghiên cứu khí tượng, song đi chệch hướng do thời tiết.