📞

Vụ dẫn độ CFO Huawei: Công tố viên Canada bảo vệ lệnh dẫn độ của Mỹ

08:30 | 23/01/2020
TGVN. Liên quan đến phiên tòa xem xét dẫn độ bà Mạnh Vãn Chu - Giám đốc Tài chính (CFO) của Tập đoàn công nghệ Trung Quốc Huawei - trong phiên tranh tụng ngày 22/1 tại Tòa án Tối cao British Columbia ở Vancouver, các công tố viên của Canada đã bảo vệ đề nghị dẫn độ của Mỹ.    
Giám đốc tài chính của Huawei đến Tòa án Tối cao British Columbia ở Vancouver vào ngày 21/1/2020. (Nguồn: Reuters)

Phía Canada đã sử dụng lý lẽ, bà Mạnh bị bắt giữ với cáo buộc “lừa gạt ngân hàng” - một hành vi vi phạm pháp luật tại cả Canada và Mỹ, chứ không phải bị bắt với cáo buộc vi phạm lệnh trừng phạt của Washington đối với Tehran.

Công tố viên Robert Frater nhấn mạnh cáo buộc lừa dối (chứ không phải là cáo buộc vi phạm lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Iran) là lý do mấu chốt của việc bắt giữ bà Mạnh. Mỹ cáo buộc bà Mạnh đã lừa dối HSBC Holdings Plc về hoạt động kinh doanh của Huawei Technologies Co Ltd tại Iran.

Trong 3 ngày tranh tụng, đội ngũ pháp lý bảo vệ bà Mạnh đã biện hộ rằng, hành vi phạm tội mà Mỹ cáo buộc bà Mạnh – nói dối các tổ chức tài chính để “lách” lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Iran – là không vi phạm pháp luật tại Canada, vì Ottawa đã dỡ bỏ lệnh trừng phạt đối với Tehran từ nhiều năm trước.

Các chuyên gia nhận định rằng, với hệ thống pháp lý phức tạp của Canada, vụ xem xét dẫn độ bà Mạnh có thể mất nhiều năm mới đi đến được quyết định cuối cùng.

Trong một tin liên quan, cùng ngày, Mỹ tiếp tục hối thúc Pháp thực hiện các biện pháp an ninh mạnh mẽ nhằm chống lại khả năng vi phạm từ các dịch vụ 5G do công ty công nghệ Huawei của Trung Quốc cung cấp, đồng thời cảnh báo việc trao đổi thông tin tình báo giữa hai nước có thể sẽ bị ảnh hưởng nếu như Paris không thực hiện.

Trả lời phóng viên tại Paris, Nhà ngoại giao an ninh mạng hàng đầu của Mỹ Robert Strayer cho biết, những quan ngại về việc triển khai mạng 5G của Huawei là chương trình nghị sự hàng đầu của cuộc họp an ninh mạng Mỹ - Pháp lần thứ 3.

Theo ông Strayer, Mỹ không yêu cầu Pháp cấm Huawei nhưng Paris cần có các biện pháp mạnh mẽ để chống lại "sự xâm nhập nguy hiểm" từ các bản cập nhật phần mềm và chương trình cơ sở của bất kỳ hệ thống nào do công ty này cung cấp.

Ông Strayer cũng khẳng định, nếu Pháp không thực hiện đầy đủ các bước, Mỹ sẽ phải đánh giá lại cách tiến hành các hoạt động đòi hỏi phải chia sẻ thông tin nhạy cảm, bao gồm các cuộc tập trận chung và các hoạt động chống khủng bố

Hiện các cuộc tranh luận đang diễn ra gay gắt ở châu Âu về việc có nên loại Huawei ra khỏi việc phát triển mạng di động 5G hay không. Mỹ là quốc gia đi đầu trong việc phản đối sử dụng thiết bị của Huawei, đồng thời kêu gọi các đồng minh của mình cũng làm như vậy, khi cho rằng, các thiết bị của công ty này có thể được chính phủ Trung Quốc sử dụng như công cụ gián điệp.

(theo Reuters)