Người phát ngôn Nhà Trắng ngày 22/4 cho biết, Tổng thống Mỹ đã cam kết hỗ trợ Sri Lanka trong một cuộc điện đàm với Thủ tướng nước này, ông Ranil Wickremesinghe.
Đây là vụ bạo lực nghiêm trọng nhất ở Sri Lanka kể từ khi cuộc nội chiến ở nước này kết thúc cách đây một thập kỷ, khiến 290 người thiệt mạng và gần 500 người bị thương.
Tổng thống Sirisena đã tuyên bố lệnh tình trạng khẩn cấp trên toàn quốc sẽ có hiệu lực vào nửa đêm 22/4. Biện pháp này sẽ trao cho cảnh sát và quân đội quyền bắt giữ và thẩm vấn mà không cần lệnh của tòa án, vốn đã có hiệu lực tại nhiều thời điểm trong cuộc nội chiến với các phần tử ly khai Tamil.
Sri Lanka cũng đã nằm trong tình trạng giới nghiêm trong đêm thứ 2 liên tiếp kể từ các cuộc tấn công trên.
Đây là vụ bạo lực nghiêm trọng nhất ở Sri Lanka kể từ khi cuộc nội chiến ở nước này kết thúc cách đây một thập kỷ, khiến 290 người thiệt mạng và gần 500 người bị thương. (Nguồn: Washington Post) |
Cùng ngày, Thủ tướng Australia Scott Morrison khẳng định các sĩ quan chống khủng bố của Australia sẽ giúp đỡ đối tác Sri Lanka.
Trước đó, Australia đã lên tiếng xác nhận có 2 công dân nước này thiệt mạng trong khoảng gần 300 nạn nhân của các vụ đánh bom liều chết tại Sri Lanka, bao gồm cô Manik Suriaaratchi và con gái Alexendria. Hai người này đã thiệt mạng trong vụ nổ tại một nhà thờ ở thành phố Công giáo Negombo. Bên cạnh đó, có 2 công dân Australia khác cũng đã được xác nhận bị thương sau các vụ tấn công kinh hoàng nói trên.
Ông Morrison cho biết vẫn còn quá sớm để chắc chắn rằng những người Australia khác không bị ảnh hưởng, do nhiều trường hợp công dân mang hai quốc tịch nên việc xác định danh tính sẽ cần phải có thời gian để thực hiện.
Trong khi đó, Bộ trưởng Nội các kiêm Người Phát ngôn chính phủ Sri Lanka, ông Rajitha Senaratne cho biết, các nhân viên điều tra đang tìm kiếm các đầu mối về việc nhóm Hồi giáo địa phương National Thowheeth Jama'ath (NTJ) có nhận được “sự hỗ trợ quốc tế” hay không sau khi nhóm này bị buộc tội tiến hành loạt vụ đánh bom thảm khốc trên.
Cũng theo ông Senaratne, “một tổ chức nhỏ bé” như vậy không thể tiến hành những cuộc tấn công liều chết với sự điều phối chặt chẽ như vậy.
Các quan chức Sri Lanka cũng đang điều tra nguyên nhân về việc không triển khai thêm các hoạt động phòng ngừa sau một cảnh báo hôm 11/4 từ phía lực lượng cảnh sát nước này rằng một “cơ quan tình báo nước ngoài” đã thông báo về những cuộc tấn công liều chết vào các nhà thờ do NTJ lên kế hoạch.