Công nhân tại điểm lắp đặt đường ống ở Kingisepp, vùng Leningrad, Nga. (Nguồn: Reuters) |
Phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế phương Đông (EEF) ở thành phố cảng Vladivostok, ông Putin cho rằng, việc châu Âu kêu gọi giới hạn giá dầu của Nga là "ngớ ngẩn".
Nhà lãnh đạo Nga tuyên bố, quốc gia này sẽ hủy các hợp đồng cung cấp dầu mỏ và khí đốt nếu phương Tây áp đặt giới hạn giá đối với năng lượng xuất khẩu của Moscow.
Cùng ngày, chia sẻ về việc áp trần giá dầu Nga, Bộ trưởng Công Thương Czech Jozef Sikela, nước đang giữ chức Chủ tịch luân phiên Hội đồng Liên minh châu Âu (EU) cho biết, phương án này là một công cụ chính trị chứ không phải giải pháp cho cuộc khủng hoảng năng lượng hiện nay ở châu Âu.
Phát biểu trước Ủy ban Kinh tế Thượng viện Czech, ông Sikela cho rằng, việc áp giá trần đối với khí đốt của Nga là một đề xuất “viển vông”.
Czech hiện không muốn đề cập các biện pháp trừng phạt mà muốn tập trung giải quyết vấn đề năng lượng. Do đó, với vai trò Chủ tịch EU, quốc gia này sẽ cố gắng loại bỏ đề xuất này tại cuộc họp bất thường Hội đồng Năng lượng EU vào ngày 9/9 tới.
Theo ông Sikela, các bộ trưởng năng lượng EU nên thảo luận về một số lựa chọn để giải quyết cuộc khủng hoảng như việc tách biệt giá điện và giá khí đốt, giới hạn giá đối với một số nguồn năng lượng rẻ hơn như các nhà máy điện hạt nhân.
Bộ trưởng Công Thương Czech nói: "Việc điều chỉnh thuế đối với các nhà sản xuất và phân phối năng lượng cũng là một lựa chọn".
Trước đó, hôm 6/9, Bộ trưởng Công Thương Czech thông báo hiện có 2 đề xuất về cách thức áp giá trần năng lượng trong EU, gồm việc tách giá khí đốt khỏi giá điện của các nhà máy sản xuất điện bằng khí đốt hoặc áp giá trần đối với các nhà sản xuất điện có chi phí thấp từ các nguồn năng lượng tái tạo, hạt nhân hay than đá.
Ông Sikela nhấn mạnh, việc tách biệt giá khí đốt và giá điện có thể dẫn đến mức tiêu thụ khí đốt cao hơn trong bối cảnh châu Âu đối mặt nguy cơ thiếu hụt nguồn cung.