Vụ nổ đường ống dẫn khí Dòng chảy phương Bắc xảy ra ở vùng biển quốc tế, ngoài khơi đảo Bornholm của Đan Mạch. (Nguồn: Intellinews) |
Người phát ngôn của Văn phòng Tổng công tố Nga cho hay: "Bất chấp những bằng chứng sẵn có, giới chức Mỹ, Cyprus và Pháp có liên quan đã không điều tra các trường hợp tài trợ hoặc cung cấp những hỗ trợ khác để thực hiện hành động khủng bố này. Chính quyền Cộng hòa Đức đang né tránh các nghĩa vụ quốc tế của họ trong hợp tác với Nga".
Ông Andrey Ivanov nhấn mạnh, các quốc gia được đề cập đều là thành viên của Công ước quốc tế năm 1997 về ngăn chặn các vụ đánh bom khủng bố và Công ước quốc tế năm 1999 về ngăn chặn tài trợ cho khủng bố.
Ông nói: “Các quốc gia đó có nghĩa vụ thực hiện các biện pháp điều tra khủng bố và tài trợ khủng bố, cũng như cung cấp hỗ trợ tối đa trong việc điều tra các hành vi trái pháp luật đó, bao gồm cả hỗ trợ thu thập bằng chứng cần thiết cho quá trình tố tụng”.
Do đó, việc Nga đã gửi thêm yêu cầu tới Mỹ, Đức, Pháp và Cyprus về vụ nổ đường ống dẫn khí Dòng chảy phương Bắc 1 và 2 nhằm "thu hút sự chú ý của các cơ quan có thẩm quyền ở những quốc gia này nhằm tiến hành các biện pháp để thực hiện nghĩa vụ quốc tế chống lại hoạt động khủng bố và tài trợ khủng bố, tổ chức điều tra các hoạt động bất hợp pháp và đưa thủ phạm ra trước công lý".
Ngày 26/9/2022, những vụ nổ đã làm hỏng đường ống Dòng chảy phương Bắc 1 và 2 ở biển Baltic, khiến 3 trong số 4 tuyến của hệ thống đường ống khí đốt này bị phá hoại.
Theo Cơ quan Năng lượng Đan Mạch, 3 điểm bị hư hại chứa 778 triệu m3 khí đốt. Vụ rò rỉ từ đường ống Dòng chảy phương Bắc được xem là một trong những vụ rò rỉ khí methane lớn nhất vào khí quyển.
Vụ nổ xảy ra ở vùng biển quốc tế, ngoài khơi đảo Bornholm của Đan Mạch.
Sau vụ việc, Thủ tướng Đan Mạch Mette Frederiksen chia sẻ với báo giới rằng: “Đây là những hành động có chủ ý chứ không phải vô tình. Tình hình càng lúc càng nghiêm trọng".