📞

Vũ khí hạt nhân giúp duy trì hòa bình?

10:43 | 27/03/2014
Đã hơn nửa thế kỷ trôi qua kể từ khi vũ khí hạt nhân ra đời, nhưng những cuộc tranh luận về vai trò của nó trong việc duy trì hòa bình và an ninh thế giới vẫn chưa kết thúc.
Hội nghị thượng đỉnh An ninh Hạt nhân lần thứ ba tại La Hay (Hà Lan), tháng 3/2014.

Một số người cho rằng, vũ khí hạt nhân (VKHN) có thể giúp duy trì hòa bình và an ninh thế giới. Nhưng số khác lại nói, VKHN không thể là chất xúc tác đáng tin cậy giúp đảm bảo nền hòa bình và an ninh bền vững trên hành tinh. Liệu VKHN có thể làm giảm căng thẳng và giúp thế giới an toàn hơn?

Phân tích vai trò của VKHN trong kiềm chế bạo lực và duy trì hòa bình và an ninh, các nhà khoa học chính trị quốc tế có thể chứng minh rằng VKHN không phải là công cụ răn đe hiệu quả để gìn giữ hòa bình mà ngược lại còn làm gia tăng các cuộc chạy đua vũ trang trên thế giới.

Công cụ răn đe?

Học thuyết về công cụ răn đe hạt nhân giải thích cho cách ứng xử của một số quốc gia trong nền chính trị thế giới. Có thể thấy VKHN là một phần không thể tách rời khi xem xét mối quan hệ căng thẳng giữa Mỹ và Liên Xô trong Chiến tranh Lạnh, khi cả hai bên đều viện dẫn hạt nhân là công cụ răn đe hiệu quả đối với phía bên kia. Nếu vậy thì khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, lẽ ra VKHN đã không còn vai trò. Nhưng trên thực tế, VKHN vẫn tiếp tục được xem là giúp tạo thế cân bằng về quyền lực trong quan hệ quốc tế. Một số nước đã tìm mọi cách để có nguyên liệu hạt nhân, tăng cường nghiên cứu, xây dựng và phát triển tiềm lực hạt nhân. Sự phổ biến hạt nhân và sự gia tăng các cuộc xung đột giữa các quốc gia trong và sau Chiến tranh Lạnh làm người ta khó có thể bảo vệ tính hiệu quả của VKHN như là một công cụ răn đe, kiềm chế các quốc gia để bảo vệ hòa bình.

Trước hết, dù vô tình hay cố tình thì những người ủng hộ việc sử dụng VKHN để duy trì hòa bình và an ninh đã lập luận rằng nó thực sự nên được xem là công cụ răn đe hiệu quả vì là yếu tố giúp tạo ra một giai đoạn khá yên bình trong mối quan hệ giữa Liên Xô và Mỹ nói riêng, cũng như các quốc gia thuộc hai khối trong cuộc đối đầu Đông - Tây nói chung. Tuy nhiên, rất khó có thể xác định có phải VKHN đã giúp duy trì nền hòa bình tương đối thời Chiến tranh Lạnh hay là do hệ thống chính trị hai cực của thế giới lúc bấy giờ đã đóng vai trò trong việc điều chỉnh và quyết định cách ứng xử của các siêu cường.

Một số học giả có tên tuổi cho rằng cần phải tính đến vai trò của VKHN trong mối liên hệ của nó với tính ổn định tương đối của các mối quan hệ quốc tế thời Chiến tranh Lạnh, nhưng nếu chỉ xem xét riêng yếu tố hạt nhân thì chưa đủ thuyết phục. Họ thậm chí còn lập luận rằng sự ổn định tương đối của thời kỳ đó là do ảnh hưởng của hệ thống chính trị hai cực của thế giới chứ không phải vì có sự hiện diện của VKHN.

Có thể họ đúng khi cho rằng sự gia tăng các cuộc nội chiến, xung đột giữa các quốc gia từ khi có sự hiện diện của hệ thống chính trị đa cực (sau Chiến tranh Lạnh) đến nay và sự hiện diện ngày càng phổ biến của VKHN càng chứng tỏ rằng hệ thống chính trị hai cực trên thế giới trước đây giúp duy trì nền hòa bình tương đối ấy.

Hay chỉ là vòng luẩn quẩn

Rõ ràng, răn đe hạt nhân là vòng luẩn quẩn. Nếu một nước có VKHN thì ở một chừng mực nào đó đối thủ của nước ấy sẽ cảm thấy bất an và sẽ chỉ cảm thấy an toàn hơn nếu họ cũng sở hữu VKHN. Khi có những tín hiệu từ các nhà lãnh đạo Liên Xô cho thấy Liên Xô chiếm thế thượng phong về VKHN thì lãnh đạo nước Mỹ lại thấy lo ngại và họ đã tăng cường tiềm lực quốc phòng. Kết quả là Liên Xô lại cảm thấy an ninh của họ bị đe dọa và đã quyết định triển khai tên lửa tại Cuba năm 1962.

Một số người khác lại cho rằng chính VKHN là công cụ răn đe hiệu quả trong cuộc khủng hoảng tên lửa tại Cuba bởi yếu tố hạt nhân buộc các nhà lãnh đạo Liên Xô và Mỹ bấy giờ phải nhượng bộ, thỏa hiệp để tránh xảy ra chiến tranh. Nhưng cho đến nay chưa có tài liệu đáng tin cậy nào chứng minh được chính yếu tố hạt nhân giúp giảm căng thẳng trong cuộc khủng hoảng tên lửa đó và giúp hai nước tránh được xung đột trực tiếp.

Hơn thế, những ai ủng hộ việc xem hạt nhân là công cụ răn đe thường chỉ trích những người phản đối VKHN vì không thừa nhận răn đe là một yếu tố quan trọng giúp kiềm chế những đối thủ hiếu chiến, muốn đục nước béo cò. Tuy nhiên, các cuộc khủng hoảng tại Cuba năm 1962 và tại Trung Đông năm 1973 lại không giúp minh chứng cho quan điểm này. Các cuộc xung đột liên miên ở Trung Đông cho thấy sức mạnh hạt nhân không thể giúp ngăn chặn xung đột giữa các quốc gia.

Nhìn lại những gì đã diễn ra kể từ khi VKHN ra đời, chúng ta hoàn toàn có thể hoài nghi về khả năng răn đe hiệu quả của nó để giúp duy trì hòa bình thế giới. Tính răn đe hạt nhân dường như không hề phát huy tác dụng trong các xung đột tại các khu vực ngày càng trở nên phổ biến bất kể sự hiện diện của một loạt kho VKHN khổng lồ tại các quốc gia xung đột và các quốc gia liên quan. Lấy chiến tranh vùng Vịnh năm 1992 làm ví dụ, nếu sức mạnh răn đe hạt nhân của Mỹ có tác dụng thì Iraq đâu dám đưa quân vào Kuwait và làm gì cần đến chiến dịch quân sự của liên minh do Mỹ đứng đầu tại Iraq...

Thêm nữa, thế giới sau Chiến tranh Lạnh vẫn với sự hiện diện của các kho VKHN vốn có và các cường quốc hạt nhân mới nổi như Ấn Độ và Pakistan nhưng vẫn không được hòa bình hơn vì hàng loạt cuộc xung đột đã cướp đi tính mạng của hàng trăm nghìn người và gây thiệt hại lớn về vật chất. Điều này làm vỡ mộng những ai ảo tưởng về tính hiệu quả của VKHN giúp giảm xung đột khu vực.

Châm ngòi cho các cuộc chạy đua vũ trang

Sự xuất hiện của VKHN đã tạo ra cuộc chạy đua vũ trang căng thẳng chưa từng thấy. Cuộc chạy đua này đạt đến đỉnh điểm khi mà cả Mỹ và Liên Xô dành một số tiền khổng lồ để đạt được ưu thế về quân sự. Hai siêu cường này đã sử dụng phần lớn tiền của của họ để tăng cường tiềm lực quốc phòng và tạo nên cuộc chạy đua vũ trang tốn kém nhất thế giới. Khi Mỹ cho rằng Liên Xô có tiềm lực quân sự mạnh hơn thì họ lập tức đẩy mạnh việc hiện đại hóa quân sự và củng cố liên minh với các nước phương Tây chống Liên Xô. Tuy nhiên, ý định sử dụng ưu thế quân sự để các nước khác không dám tấn công dường như phản tác dụng vì chính nó lại tạo ra cách ứng xử ngược lại của đối thủ.

Khi nói rằng răn đe hạt nhân chỉ mang tác dụng tiêu cực không có nghĩa là các nước đã ngừng việc tìm cách sở hữu hay tăng cường tiềm lực hạt nhân của họ. Điều này cho thấy VKHN đang gây ra tình thế lưỡng nan về an ninh. Giấc mộng về sức mạnh hạt nhân dẫn đến việc gia tăng số lượng các nước sở hữu loại vũ khí này. Bên cạnh các nước hạt nhân cũ và một số nước mới sở hữu VKHN như Ấn Độ và Pakistan còn một loạt nước như Israel, Libya, CHDCND Triều Tiên, Iran, thậm chí là Nhật Bản, Hàn Quốc được xem là có khả năng sản xuất loại vũ khí này. Hậu quả là căng thẳng trong khu vực của các nước có liên quan ngày càng tăng. Rõ ràng, VKHN đã ảnh hưởng tiêu cực đến an ninh và sự ổn định tại các nước. Tình hình hiện nay tại bán đảo Triều Tiên và Iran càng chứng tỏ điều này.

Theo các nhà bình luận chính trị quốc tế, chính khả năng sở hữu VKHN chỉ làm cho các quốc gia láng giềng vốn không có ý định sở hữu hạt nhân hoặc không thể làm như vậy sẽ cảm thấy bất an. Một khi quốc gia cảm thấy an ninh của họ bị đe dọa thì một kịch bản rất dễ xảy ra là chạy đua vũ trang, có thể liên quan đến nhiều quốc gia và dẫn đến các khoản chi phí quốc phòng tốn kém. Đương nhiên khi chi phí quốc phòng vượt tầm kiểm soát hay ít nhất là vượt xa chi tiêu cho phúc lợi xã hội thì có thể dẫn đến những bất ổn xã hội và do vậy an ninh và sự ổn định của quốc gia cũng bị ảnh hưởng. Đó là chưa nói đến khả năng VKHN rơi vào tay các nhóm khủng bố với những hậu quả khôn lường.

Tóm lại, VKHN không thể giúp kiềm chế và ngăn chặn bạo lực. Thay vì vậy, sự tồn tại của VKHN có thể châm ngòi cho các cuộc chạy đua vũ trang tốn kém, không những có thể làm cạn kiệt nguồn lực của quốc gia mà còn đặt các quốc gia này vào thế tiến thoái lưỡng nan về an ninh và do vậy có thể làm phương hại đến nền hòa bình, sự ổn định và an ninh của quốc gia, khu vực và quốc tế.

Lê Công Phát