Thủ tướng Ấn Độ trong cuộc gặp gỡ với Tổng thống Nga (Ảnh: japanfocus.org) |
Việc ký kết các hợp đồng vũ khí và đàm phán về một thỏa thuận hạt nhân dân sự sẽ là hai trọng tâm chính trong chuyến thăm chính thức kéo dài 3 ngày của Thủ tướng Ấn Độ đến Nga lần này. Thủ tướng Singh đã có cuộc gặp với Tổng thống Nga Dmitry Medvedev trong một bữa tiệc không chính thức tối ngày hôm qua và dự kiến sẽ có cuộc gặp với Thủ tướng Vladimir Putin. "Hợp tác trong lĩnh vực quốc phòng là một lĩnh vực hợp tác quan trọng giữa Nga và Ấn Độ," Thủ tướng Singh đã phát biểu như vậy trên kênh truyền hình nói tiếng Anh - Russia Today của Nga. "Chúng tôi có thể mua những thiết bị và công nghệ từ Nga - những thứ mà chúng tôi không thể mua được từ các nước khác." Nga và Ấn Độ hồi tháng 10 đã nhất trí với bản phác thảo hợp đồng mua bán vũ khí trị giá ít nhất 10 tỉ USD, trong đó có việc hai nước sẽ hợp tác đóng một chiếc máy bay chiến đấu siêu âm hiện đại có thể tránh được các hệ thống radar giống như loại máy bay chiến đấu tàng hình F-22 Raptor của Mỹ. Theo tiết lộ của các quan chức Ấn Độ, trong chuyến thăm lần này, Thủ tướng Singh có thể sẽ ký kết các hợp đồng mua vũ khí bao gồm một hợp đồng mua 80 máy bay trực thăng Mi-17 trị giá 1 tỉ USD và những hợp đồng lắp đặt tên lửa Brahmos cho các máy bay chiến đấu Sukhoi của Ấn Độ.
Ấn Độ cùng với Trung Quốc là những khách hàng mua vũ khí lớn nhất của Nga nhưng các quan chức quân sự cấp cao của Ấn Độ gần đây tỏ ra bực bội với Nga bởi sự chậm chễ của nước này trong việc giao lại chiếc tàu sân bay Admiral Gorshkov thời Xô-viết mà Ấn Độ thuê Nga nâng cấp, sửa sang trong một hợp đồng trị giá 1,6 tỉ USD. Điều này đã ảnh hưởng ít nhiều đến mối quan hệ quân sự thân thiết Nga-Ấn Độ. Để làm dịu tình hình, Tổng thống Medvedev hồi tháng 7 đã công khai lên tiếng phê bình xưởng đóng tàu của Nga về sự chậm chễ trong việc thực thi hợp đồng của Ấn Độ. Đồng minh thời Chiến tranh Lạnh Nga luôn xem Ấn Độ, một đồng minh thời Chiến tranh Lạnh, là một đối tác quan trọng của nước này mặc dù quan hệ thương mại song phương giữa Nga và Ấn Độ còn thua xa mối quan hệ kinh tế giữa Nga với Liên minh Châu Âu và Trung Quốc. Moscow coi trọng Ấn Độ bởi vai trò và ảnh hưởng của Ấn Độ ở khu vực Châu Á đang ngày càng mở rộng. Thương mại hai chiều giữa Nga và Ấn Độ đã tăng lên 5,1 tỉ USD trong 9 tháng đầu năm 2009 mặc dù con số này chỉ chiếm có 1,6% tổng giao dịch ngoại thương của Nga. Các công ty năng lượng Ấn Độ, trong đó có công ty nhà nước onGC, đang tìm cách củng cố vị thế của họ ở Nga - nước sản xuất năng lượng lớn nhất thế giới mặc dù chưa rõ là có bất kỳ hợp đồng năng lượng nào sẽ được hai nước ký kết trong chuyến thăm của ông Signh đến Nga lần này hay không. Trong khi đó, Nga đang tìm cách củng cố chỗ đứng của họ trên thị trường hạt nhân của Ấn Độ trước khi một thỏa thuận với Washington cho phép các công ty lớn của Mỹ nhảy vào thị trường béo bở này. Thỏa thuận hạt nhân dân sự mà Thủ tướng Singh đã ký kết với Tổng thống George W. Bush năm 2005 đã kết thúc sự cô lập hạt nhân lâu dài mà Ấn Độ phải hứng chịu sau khi tiến hành thử một quả bom hạt nhân năm 1974. Tuy nhiên, sẽ còn nhiều vấn đề cần phải giải quyết trước khi các doanh nghiệp của Mỹ bao gồm General Electric Co và Westinghouse Electric Co, một công ty con của Tập đoàn Toshiba Nhật Bản, có thể nhảy vào cạnh tranh với nhau nhằm giành các hợp đồng nhiều tỉ USD xây dựng các lò phản ứng hạt nhân cho Ấn Độ. Theo tờ Press Trust of India, Ấn Độ và Nga được cho là sẽ ký kết một thỏa thuận hạt nhân dân sự mới giúp bảo đảm nguồn cung cấp uranium liên tục không hạn chế từ Moscow. Tuy nhiên, chi tiết hợp đồng này chưa được tiết lộ. Nga hiện đang giúp Ấn Độ xây các lò phản ứng hạt nhân ở nhà máy điện hạt nhân Kudankulam nằm ở bang Tamil Nadu, phía Bắc nước này và có kế hoạch xây dựng thêm nhiêu nhà máy hạt nhân khác cho Ấn Độ.Theo VnMedia