📞

Vụ khinh khí cầu Trung Quốc: Mỹ sẽ bình tĩnh, không làm điều này; Hàn Quốc bảo vệ đồng minh

Hà Thu 08:14 | 07/02/2023
Ngày 6/2, Thư ký báo chí Nhà Trắng Karine Jean-Pierre tuyên bố, cách tiếp cận của Mỹ trong quan hệ với Trung Quốc sẽ vẫn là giữ bình tĩnh, bất chấp vụ việc khinh khí cầu gây căng thẳng những ngày qua.
Mỹ cho rằng, vụ khinh khí cầu của Trung Quốc không giúp cải thiện quan hệ song phương. (Nguồn: Reuters)

Phát biểu với các phóng viên, bà Karine Jean-Pierre nhấn mạnh, “việc định hình kiểu quan hệ mà họ muốn là tùy thuộc vào Trung Quốc".

Liên quan vụ Mỹ bắn hạ khinh khí cầu Trung Quốc, ngày 6/2, Nhà Trắng khẳng định sẽ không trả lại các mảnh vỡ của vật thể này cho Bắc Kinh.

Thông tin trên do Điều phối viên truyền thông chiến lược của Hội đồng An ninh quốc gia Nhà Trắng John Kirby đưa ra, đồng thời cho hay, Mỹ đang trong quá trình thu hồi các mảnh vỡ từ khinh khí cầu này ở ngoài Đại Tây Dương để các chuyên gia tình báo phân tích.

Quan chức trên nêu rõ: “Đã thu hồi được một số mảnh vỡ trên mặt biển. Điều kiện thời tiết không cho phép quan sát các mảnh vỡ kỹ hơn dưới đáy biển. Trong những ngày tới, chúng tôi có thể lặn xuống và xem xét kỹ hơn. Khu vực nơi các mảnh vỡ nằm rải rác là khá rộng”.

Theo ông Kirby, việc thu hồi các mảnh vỡ của khinh khí cầu sẽ giúp “giảm thiểu” khả năng do thám, đồng thời tăng cường và cải thiện khả năng thu thập thông tin tình báo và tìm kiếm dữ liệu từ khinh khí cầu này.

Liên quan chuyến thăm của Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken tới Bắc Kinh, vốn đã được lên kế hoạch song bị hoãn lại hôm 3/2 vì vụ khinh khí cầu, ông Kirby nói, các quan chức Washington sẽ quyết định khi nào một chuyến thăm mới diễn ra.

Lưu ý không ai muốn thấy xung đột giữa hai nước, quan chức Nhà Trắng nhấn mạnh, vụ khinh khí cầu của Trung Quốc không giúp ích gì cho việc cải thiện các mối quan hệ song phương vốn đã căng thẳng.

Hãng tin Bloomberg dẫn các nguồn thạo tin cho biết, Mỹ đã phát hiện các khinh khí cầu của Trung Quốc một vài lần dưới thời chính quyền tổng thống Donald Trump, trong đó có 3 trường hợp chúng di chuyển gần các cơ sở quân sự và khu vực huấn luyện nhạy cảm của Mỹ.

Những quả khí cầu đã được phát hiện gần Texas, Florida và Hawaii, cũng như đảo Guam ở Thái Bình Dương, nơi Nhà Trắng có căn cứ hải quân và không quân.

Ngoài ra, khinh khí cầu cũng bay gần Norfolk, bang Virginia và Coronado, bang California - 2 hải cảng vốn là nơi neo đậu của các hàng không mẫu hạm quý giá của Mỹ.

Một cựu quan chức cấp cao của Lầu Năm Góc tiết lộ với tờ Politico rằng, vào năm 2020, cộng đồng tình báo cho biết, những khinh khí cầu nhỏ hơn mang thiết bị gây nhiễu radar của Trung Quốc đã được phát hiện ngoài khơi bờ biển bang Virginia, gần nơi neo đậu tàu sân bay Mỹ.

Trong diễn biến khác liên quan, cùng ngày, Hàn Quốc đã bày tỏ lập trường về việc Mỹ bắn hạ khinh khí cầu của Trung Quốc, bị Washington coi là phương tiện do thám.

Theo đó, Hàn Quốc thấu hiểu nỗi lo ngại của Mỹ và Washington có quyền thực hiện các biện pháp cần thiết vì an ninh quốc gia dựa theo luật quốc tế.

Seoul cho rằng, Bắc Kinh cần giải thích một cách đầy đủ và minh bạch với cộng đồng quốc tế về vụ việc lần này.

Chiều 4/2, Mỹ đã điều máy bay chiến đấu F-22 bắn hạ một khinh khí cầu Trung Quốc bằng một quả tên lửa không đối không AIM-9X với khẳng định quả khinh khí cầu này là phương tiện do thám của Bắc Kinh.

Theo Washington, khinh khí cầu này đã tiến vào vùng nhận diện phòng không của Mỹ từ hôm 28/1 và bay sang Canada hôm 30/1, trước khi quay trở lại không phận Mỹ hôm 31/1.

Về phần mình, Trung Quốc cho biết, quả khinh khí cầu trên đúng là của nước này, nhưng là do tư nhân dùng để quan trắc khí tượng chứ không dùng cho mục đích do thám, đồng thời chỉ trích Mỹ đã phản ứng thái quá với tình huống không lường trước được này và nhấn mạnh sẽ có thêm biện pháp xử lý.

(theo AFP, Reuters, KBS)