Nga sẽ rút khỏi các cuộc tham vấn với Hà Lan và Australia nhằm tìm hiểu nguyên nhân vụ máy bay MH17 bị bắn rơi ở Ukraine năm 2014. (Nguồn: Reuters) |
Bộ Ngoại giao Nga tuyên bố: "Các hành động thù địch của Hà Lan khiến việc tiếp tục các cuộc tham vấn 3 bên với sự tham gia của chúng tôi là vô nghĩa".
Từ năm 2018, 3 nước trên đã tổ chức các cuộc thảo luận nhằm tìm ra nguyên nhân của thảm họa, trong đó chiếc máy bay chở khách Boeing 777 của hãng hàng không Malaysia Airlines trên đường từ Amsterdam đến Kuala Lumpur đã bị trúng tên lửa BUK do Liên Xô chế tạo vào ngày 17/7/2014, làm toàn bộ 298 người trên máy bay thiệt mạng.
Khi bị bắn rơi trên bầu trời vùng lãnh thổ do phe ly khai Nga hậu thuẫn kiểm soát, máy bay có 196 công dân Hà Lan và 38 công dân Australia.
Moscow phàn nàn rằng, The Hague đang đưa một vụ kiện chống lại họ "vì vai trò của nước này trong vụ phá hủy chuyến bay MH17" lên Tòa án Nhân quyền châu Âu (ECHR) "chỉ sau 3 vòng đàm phán". Theo Bộ Ngoại giao Nga, Hà Lan "do đó cho thấy ý định đi theo con đường luẩn quẩn... đơn phương đổ trách nhiệm cho Nga về những gì đã xảy ra".
Các nhà lãnh đạo Hà Lan đã công khai cáo buộc Nga đứng sau cái chết của công dân nước này. Tuy nhiên, Moscow luôn phủ nhận liên quan đến vụ tai nạn và đổ lỗi cho Ukraine.
Moscow khẳng định: "Australia và Hà Lan rõ ràng không muốn hiểu điều gì thực sự đã xảy ra vào mùa Hè năm 2014, mà chỉ muốn bảo đảm một lời thú tội từ Nga và bồi thường cho thân nhân các nạn nhân".
Bộ Ngoại giao Nga cho hay sẽ "tiếp tục hợp tác" với The Hague trong cuộc điều tra, nhưng "theo hình thức khác".
Hồi tháng 3, các tòa án Hà Lan đã bắt đầu xét xử vụ án chống lại 4 nghi phạm, 3 người trong số này là người Nga và một người Ukraine, bị cáo buộc đã gây ra thảm họa trên.