EU và Mỹ đã chính thức áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với một số quan chức cấp cao Nga liên quan tới vụ bắt giữ ông Alexei Navalny. (Nguồn: AP) |
EU gồm 27 quốc gia thành viên đã áp đặt lệnh cấm đi lại và phong tỏa tài sản trong châu Âu của lãnh đạo Cơ quan Quản lý nhà tù liên bang Alexander Kalashnikov, người đứng đầu Ủy ban Điều tra Alexander Bastrykin, Tổng công tố liên bang Igor Krasnov và Chỉ huy lực lượng Vệ binh quốc gia Viktor Zolotov.
EU cho biết, 4 quan chức trên bị liệt vào danh sách trừng phạt do vai trò của họ trong vụ bắt giữ tùy tiện, khởi tố và kết án ông Navalny, cũng như đàn áp người biểu tình ôn hòa phản đối việc ông Navalny bị đối xử một cách bất hợp pháp.
Trong khi đó, theo một số quan chức cấp cao Mỹ, Washington đã áp đặt các lệnh trừng phạt đối với 7 thành viên của chính phủ Nga, trong đó có Giám đốc Cơ quan An ninh Liên bang Nga (FSB) Alexander Bortnikov, sau khi phát hiện cơ quan này tiến hành vụ đầu độc nhân vật chỉ trích Điện Kremlin Alexei Navalny, khiến ông này rơi vào tình trạng nguy kịch.
Theo lệnh trừng phạt, Mỹ sẽ phong tỏa tài sản, ngoài ra, bất kỳ giao dịch nào từ nước này với những người trong danh sách trừng phạt sẽ bị truy tố.
Bên cạnh đó, Bộ Thương mại Mỹ sẽ bổ sung 14 nhóm vào danh sách các thực thể bị trừng phạt vì sản xuất tác nhân sinh học và hóa chất, bao gồm 9 tổ chức thương mại ở Nga, 3 ở Đức và 1 ở Thụy Sỹ. Lệnh trừng phạt bao gồm kiểm soát xuất khẩu đối với các thực thể này.
Động thái trên cho thấy nỗ lực của chính quyền Tổng thống Biden trong việc đối đầu với Nga, trong khi vẫn đang cố gắng giải quyết các vấn đề mà hai bên cùng quan tâm.
Các quan chức cấp cao Mỹ khẳng định, các bước đi đang được triển khai với sự phối hợp của EU, đồng thời nhắc lại lời kêu gọi của Tổng thống Joe Biden yêu cầu Nga trả tự do cho ông Navalny.
Trong phản ứng đầu tiên với các động thái này, cùng ngày, Ngoại trưởng Anh Dominic Raab tuyên bố hoan nghênh và khẳng định: "Chúng tôi sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các đối tác quốc tế nhằm buộc Nga phải chịu trách nhiệm vì đã không giữ vững những cam kết của mình về nhân quyền cũng như vũ khí hóa học".
Trong khi đó, cùng ngày, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Nga Konstantin Kosachev tuyên bố, nước này sẽ đáp trả EU và Mỹ.
Thượng nghị sĩ Kosachev khẳng định, "với EU và Mỹ, tình hình hiện nay không quan trọng mà chỉ là cái cớ để bôi nhọ lãnh đạo Nga". Theo ông, đây là "kỹ thuật không thể chấp nhận trong quan hệ quốc tế", "và chắc chắn sẽ vấp phải phản ứng của Nga”.
Theo ông, nếu EU thật sự muốn tìm ra sự thật, mà không thể có điều này nếu thiếu một cuộc điều tra toàn diện tại Nga, EU không nên gây sức ép với Nga mà với chính các nước thành viên trong khối nhằm đảm bảo tính minh bạch của bằng chứng.
Phó Chủ tịch Ủy ban đối ngoại Hạ viện Nga Alexey Chepa cùng ngày cho rằng, các biện pháp trừng phạt của EU và Mỹ nhằm vào những người đứng đầu cơ quan thực thi công vụ là vô nghĩa, bởi họ không thể hành động theo cách khác và vi phạm pháp luật.
Trong khi đó, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga bình luận rằng, các biện pháp trừng phạt mới mà Mỹ áp đặt sau EU là "cái cớ để tiếp tục công khai can thiệp vào công việc nội bộ" của Nga.
Bà Maria Zakharova khẳng định, Moscow "sẽ phản ứng trên nguyên tắc có đi có lại, không nhất thiết phải tương xứng".