Ba Lan tìm cách để thúc đẩy một cuộc tranh luận khẩn cấp của Hội đồng Nhân quyền LHQ liên quan đến vụ Nga bắt giữ ông Navalny. (Nguồn: AP) |
Ngày 18/1, theo Đài phát thanh Ba Lan, nước này bắt đầu đàm phán với các quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) để thúc đẩy một cuộc tranh luận khẩn cấp của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc (LHQ), liên quan vụ Nga bắt giữ chính trị gia đối lập Alexei Navalny.
Nguồn tin trên dẫn lời Thứ trưởng Ngoại giao Ba Lan Piotr Wawrzyk nêu rõ: "Nếu chúng tôi tự mình đưa ra một sáng kiến như vậy thì điều đó càng khó thực hiện vì các quốc gia khác trong LHQ phải đồng ý. Nhưng nếu EU và phái đoàn của mình thực hiện một động thái như vậy thì điều này không thể bị bỏ qua".
Trong khi đó, Tổng thống Andrzej Duda thay mặt Ba Lan, một thành viên của Hội đồng Nhân quyền LHQ, đưa ra lời kêu gọi về "sự đoàn kết quốc tế trong vụ việc này".
Ông Duda cho rằng: "Các hành động của Chính quyền Nga đối với Alexei Navalny không phải là không có hậu quả đối với quan hệ của nước này với cộng đồng quốc tế".
Trong khi đó, cùng ngày, theo trang tin Expats.cz, Ngoại trưởng Czech Tomas Petricek đã lên án vụ bắt giữ chính trị gia đối lập Nga Alexei Navalny, cho rằng bước đi này có động cơ chính trị.
Ông Petricek nêu rõ: "Nga đã vi phạm các thỏa thuận nhân quyền quốc tế", đồng thời cho biết, sẽ đề xuất một cuộc thảo luận về khả năng áp đặt các biện pháp trừng phạt (Nga) tại cuộc họp gần nhất của các ngoại trưởng EU.
Hãng tin Reuters cho rằng, động thái trên của Nga liên quan đến nhà đối lập Navalny có thể gây sức ép chính trị với phương Tây nhằm thắt chặt các biện pháp trừng phạt đối với Moscow, đặc biệt là đối với dự án Dòng chảy phương Bắc 2 trị giá 11,6 tỷ USD xây dựng đường ống dẫn khí đốt từ Nga sang Đức.