📞

Vụ nổ đường ống Nord Stream: Lý do danh tính thủ phạm không thể tiết lộ, châu Âu có động thái mới

Minh Anh 14:38 | 26/04/2023
“Chúng tôi biết rằng, cơ sở hạ tầng năng lượng quan trọng của chúng tôi đang bị đe dọa”, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen đã nhấn mạnh nguy cơ này tại Hội nghị Thượng đỉnh Biển Bắc vào hồi đầu tuần.
Vụ nổ đường ống Nord Stream: Lý do danh tính thủ phạm không thể tiết lộ, châu Âu có động thái mới. (Nguồn: Global Times)

Liên minh châu Âu (EU) đã đặc biệt chú ý tăng cường các biện pháp an ninh và bảo vệ cơ sở hạ tầng năng lượng quan trọng của mình sau vụ phá hoại đường ống dẫn khí đốt Nord Stream (Dòng chảy phương Bắc), nối từ Nga sang Đức, đi ngầm dưới Biển Baltic, vào mùa Thu năm ngoái.

Chủ tịch EC cho biết thêm, đến nay, EU đã cải thiện sự sẵn sàng và phối hợp phản ứng ở cấp khu vực nhằm bảo vệ tốt hơn cơ sở hạ tầng năng lượng quan trọng.

EU hiện đang thực hiện một chương trình kiểm soát gắt gao để xác định các điểm yếu và tăng cường sự sẵn sàng, bà von der Leyen lưu ý.

Theo Chủ tịch EC, từ đầu năm nay, EU và NATO đã thành lập một lực lượng đặc nhiệm nhằm tăng cường khả năng bảo vệ và phục hồi năng lượng, cũng như các cơ sở hạ tầng quan trọng khác. EU, NATO và các nước phương Tây đã tăng cường khả năng giám sát và phòng thủ sau vụ phá hoại đường ống Nord Stream.

Vụ nổ đường ống Nord Stream 1 và 2 được phát hiện vào cuối tháng 9/2022 - cơ sở hạ tầng năng lượng ngay bên ngoài lãnh hải của Thụy Điển và Đan Mạch ở Biển Baltic.

Khi đó, Nord Stream 1 đã vận hành từ năm 2011, cung cấp gần 60 tỷ m3 khí đốt mỗi năm, chiếm 2/5 tổng nguồn cung của châu Âu.

Nord Stream 2 thì chưa bao giờ được đưa vào hoạt động sau khi Đức hủy bỏ quy trình chứng nhận dự án, sau khi Nga phát động chiến dịch quân sự tại Ukraine. Về phần mình, Nga đã đóng cửa vô thời hạn Nord Stream 1 vào đầu tháng 9, tuyên bố không thể sửa chữa các tuabin khí vì ảnh hưởng từ các lệnh trừng phạt của phương Tây.

Trong những ngày sau vụ nổ đường ống Nord Stream, phương Tây liên tiếp đưa ra những lời cảnh cáo và đe dọa trả đũa. Josep Borrell, quan chức phụ trách chính sách đối ngoại của EU, tuyên bố "bất kỳ sự gián đoạn có chủ ý nào đối với cơ sở hạ tầng ở châu Âu là hoàn toàn không thể chấp nhận và sẽ phải đối mặt với những phản ứng mạnh mẽ, thống nhất".

Hai vụ nổ trên các đường ống trong cùng một ngày cho thấy rõ ràng, đó không phải là tai nạn. Một số nước có quyền lợi liên quan đến Nord Stream như: Đức, Đan Mạch và Thụy Điển đã mở các cuộc điều tra riêng, trong khi đại diện của Nga ở LHQ Vassily Nebenzia kêu gọi "khởi tố hình sự theo điều khoản về hành vi khủng bố". Lãnh đạo nhiều nước sau đó cũng nêu rõ quan điểm rằng, các vụ nổ là có chủ ý và tuyên bố sẽ buộc thủ phạm phải chịu hậu quả nghiêm trọng. Nhưng hơn nửa năm sau, chưa bên nào công bố kết quả.

Tháng 11/2022, Thụy Điển cho biết, dấu vết của chất nổ đã được tìm thấy gần địa điểm xảy ra vụ nổ, đồng thời lưu ý rằng, vụ việc là "sự phá hoại thô bạo".

Hải quân Đan Mạch cũng tiến hành điều tra các đường ống bị vỡ gần đảo Bornholm từ rất sớm. Các thợ lặn giàu kinh nghiệm cũng cho biết, việc đặt được thuốc nổ ở độ sâu này nếu không có thiết bị định vị hiện đại sẽ vô cùng thách thức. Đan Mạch sau đó cũng không gọi các vụ nổ là hành động phá hoại, nhưng giống như Thụy Điển, họ cũng không công khai thêm thông tin hay đưa ra một kết luận chính thức nào.

Đầu tháng này, Mats Ljungqvist, vị Công tố viên dẫn đầu cuộc điều tra của Thụy Điển, công bố với giới truyền thông rằng, cuộc điều tra về vụ phá hoại coi sự tham gia của một tác nhân nhà nước là “kịch bản chính”, nhưng sẽ rất khó để xác định ai đã làm điều đó.

“Những người làm điều này có lẽ đã biết rằng, họ sẽ để lại manh mối và có lẽ đã cẩn thận để bằng chứng không chỉ theo một hướng mà theo nhiều hướng”, Công tố viên Ljungqvist cho biết.

Bởi vậy, 7 tháng sau vụ nổ đường ống Nord Stream, thủ phạm vẫn đứng trong bóng tối, dù châu Âu đã tiến hành nhiều cuộc điều tra. Có điều, dù tham gia huấn luyện hải quân chung trong nhiều năm, nhưng riêng vụ này, các đội thợ lặn của Thụy Điển và Đan Mạch hành động tách biệt, cũng như không chia sẻ thiết bị hoặc bằng chứng thu thập được.

Các quan chức Thụy Điển, Đức và Đan Mạch đều cho rằng, các nhà điều tra có lý do riêng để không chia sẻ những phát hiện, bởi lý do có thể tiết lộ khả năng tình báo của họ. Các đồng minh cũng đã trở nên cảnh giác sau một loạt vụ xâm nhập và gián điệp ở châu Âu. Và rằng, việc chia sẻ cũng không mang lại lợi ích cho bất kỳ ai, thậm chí việc nêu tên thủ phạm có thể gây ra những hậu quả không lường trước được. Đặc biệt, việc nêu tên một quốc gia nào đó có thể gây ra sự ngờ vực sâu sắc, khi phương Tây đang đấu tranh để duy trì một mặt trận thống nhất.

Như chuyên gia quân sự tại Đại học Copenhagen Jens Wenzel Kristoffersen cho biết, có những lý do chiến lược để không tiết lộ ai đã làm điều đó. “Miễn là họ không đưa ra được bất cứ thông tin gì đáng kể, thì tất cả mọi việc sẽ chìm trong bóng tối - như nó phải vậy”.

Không ám chỉ các đồng minh châu Âu, Thụy Điển, Đức hay Đan Mạch đang bao che cho ai, nhưng bình luận về việc cơ quan tình báo phương Tây không tiết lộ thông tin về thủ phạm vụ phá hoại đường ống Nord Stream, mới đây, cựu Giám đốc cơ quan điều phối tình báo nước ngoài của Estonia Eerik-Niiles Kross khẳng định, Nga không liên quan gì đến vụ tấn công khủng bố tuyến đường ống khí đốt chạy từ Nga sang Đức.

“Rất có thể một số cơ quan tình báo nước ngoài đã tìm ra bằng chứng xác định những kẻ phá hoại, nhưng họ có lý do để không tiết lộ danh tính, nếu thủ phạm không phải là người Nga”, ông Eerik-Niiles Kross nói.

Trong giới phân tích, nhiều người cũng đồng ý rằng, nếu Nga là thủ phạm phá trong vụ nổ đướng ống Nord Stream, phương Tây đã ngay lập tức công bố kết quả điều tra.

(theo Oilprice, Bloomberg)