Một hình ảnh vệ tinh cho thấy khí đốt từ đường ống Nord Stream sủi bọt trong nước sau sự cố ở Biển Baltic, bức ảnh được phát hành ngày 29/9. (Nguồn: Reuters) |
Một cuộc điều tra hiện trường vụ việc đối với đường ống dẫn khí Nord Stream 1 và 2 (Dòng chảy phương Bắc) từ Nga đến châu Âu đã tìm thấy bằng chứng về các vụ nổ, củng cố nghi ngờ về "vụ phá hoại tổng thể", Cơ quan An ninh Thụy Điển cho biết.
Các nhà chức trách Thụy Điển và Đan Mạch đang điều tra 4 vụ rò rỉ sau khi các đường ống khí đốt nối Nga và Đức qua Biển Baltic và trở thành tâm điểm trong cuộc khủng hoảng Ukraine, bị hư hại vào đầu tuần trước.
Châu Âu vốn từng phụ thuộc vào Nga với khoảng 40% lượng khí đốt, đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng năng lượng sau chiến dịch quân sự mà Moscow tiến hành ở Ukraine, vốn đã tác động khiến nguồn cung cấp nhiên liệu trong tình trạng bế tắc kéo dài.
Họ đang điều tra xem điều gì đã gây ra vụ rò rỉ, trong khi Moscow tìm cách đổ lỗi cho phương Tây, cho rằng Mỹ có lợi trong việc này. Washington đã phủ nhận bất kỳ sự liên quan nào.
Sau khi hoàn thành cuộc điều tra hiện trường vụ án, Cơ quan An ninh Thụy Điển có thể kết luận rằng, "đã có vụ nổ tại Nord Stream 1 và 2 trong vùng đặc quyền kinh tế của Thụy Điển".
Phía cơ quan an ninh cho biết thêm, đã có nhiều hư hỏng đối với các đường ống dẫn khí đốt và họ đã thu giữ được một số bằng chứng và vật liệu từ địa điểm này để phân tích. Bằng chứng "đã củng cố những nghi ngờ về một sự phá hoại tổng thể".
"Chúng tôi có thể kết luận rằng, đã có những vụ nổ tại Nord Stream 1 và 2 trong vùng đặc quyền kinh tế của Thụy Điển dẫn đến thiệt hại trên diện rộng đối với các đường ống dẫn khí đốt”, công tố viên Mats Ljungqvist của Thụy Điển cho biết. Vị công tố viên không tiết lộ chi tiết, viện dẫn tính bí mật của cuộc điều tra và nói, "Vấn đề này rất nhạy cảm".
Chính phủ Đan Mạch và Thụy Điển trước đó cho biết, họ nghi ngờ vài trăm kg chất nổ có liên quan đến việc thực hiện một hành động phá hoại. Rò rỉ từ Nord Stream 1 và 2 đã thải một lượng lớn khí metan vào không khí.
Người phát ngôn Hải quân Thụy Điển Jimmie Adamsson cho biết, cuộc điều tra hiện trường vụ việc do Lực lượng Bảo vệ Bờ biển và Hải quân Thụy Điển tiến hành, có sự tham gia của các phương tiện không người lái. Ông cho biết thêm: “Các đường ống ở độ sâu 70-80 mét và ở những độ sâu đó, họ sử dụng các phương tiện không người lái dưới nước".
Phía Nga cho biết họ đã được thông báo qua các kênh ngoại giao rằng, họ không thể tham gia cuộc điều tra. Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nói với các phóng viên rằng: “Hiện tại, không có kế hoạch yêu cầu phía Nga tham gia điều tra.
Các nhà điều hành đường ống thuộc sở hữu của Nga và các đối tác châu Âu cho biết, trong tuần này, họ không thể kiểm tra các đoạn bị hư hỏng vì các nhà chức trách Đan Mạch và Thụy Điển đã phong tỏa khu vực này từ hôm thứ hai (3/10).
Cung cấp thông tin cho Reuters, Bộ trưởng Ngoại giao Đan Mạch Jeppe Kofod cho biết, một đội đặc nhiệm quốc tế, do cảnh sát ba nước Đan Mạch, Thụy Điển và Đức phụ trách.
Trong khi đó, phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cho biết, Moscow sẽ kiên quyết tiến hành một "cuộc điều tra toàn diện và công khai" bao gồm cả các quan chức Nga và Gazprom. “Không cho phép chủ sở hữu (của đường ống) chứng kiến cuộc điều tra có nghĩa là có điều gì đó cần che giấu”, bà Zakharova nói.
Chính phủ Thụy Điển cho biết, chưa nhận được đề nghị nào từ Gazprom hoặc Nord Stream để tự điều tra thiệt hại, một phát ngôn viên của Bộ trưởng Doanh nghiệp nước này cho biết.
Về nguồn cung năng lượng cho châu Âu, trong bối cảnh các nước thành viên đều đang cố gắng trấn an người tiêu dùng, rằng họ sẽ có đủ điện trong những ngày tháng lạnh giá sắp đến gần. Giám đốc điều hành Tập đoàn năng lượng Eni mới đây cho biết, Italy sẽ sớm có kho khí đốt gần đầy trước mùa Đông.
Tuy nhiên, tình hình nguồn cung đang khan hiếm và nước này nên cảnh giác với những bất ổn có thể phát sinh trong trường hợp mùa Đông lạnh hơn, hoặc các vấn đề bất ngờ với cơ sở hạ tầng năng lượng, Giám đốc điều hành Claudio Descalzi của Eni cho biết.
Năm ngoái, taly cung cấp tới 40% lượng khí đốt nhập khẩu từ Moscow và Eni là nhà nhập khẩu khí đốt Nga lớn nhất của nước này.
Người đứng đầu Cơ quan Mạng lưới Liên bang của Đức, cơ quan sẽ phụ trách việc phân phối khí đốt trong trường hợp khẩn cấp về nguồn cung cấp, đã lặp lại cảnh báo của mình một tuần trước rằng, mức tiêu thụ quá cao. “Tình hình có thể trở nên rất nghiêm trọng nếu chúng tôi không giảm đáng kể lượng tiêu thụ khí đốt".