Theo ông Smith, các chính phủ thu thập dữ liệu về những lỗ hổng phần mềm dành cho mục đích riêng của mình, và sau đó tin tặc lợi dụng thông tin này để tấn công mạng. Ông Smith cũng kêu gọi các nhà chức trách chuyển giao trực tiếp toàn bộ thông tin về lỗ hổng chương trình của họ cho các nhà phát triển.
Phản ứng trước cáo buộc trên, Người Phát ngôn Bộ Nội vụ Đức Tobias Plate cho rằng, các công ty phần mềm cần tập trung vào công việc của mình thay vì đổ lỗi cho các chính phủ về những lỗ hổng an ninh. Ông cũng cho biết, Chính phủ Đức đã công bố một chiến lược an ninh mạng mới hồi năm ngoái, trong đó có một đề xuất yêu cầu các công ty công nghệ chịu trách nhiệm pháp lý đối với các sai sót an ninh.
Ảnh minh họa. (Nguồn: BBC) |
Trong khi đó, tại Mỹ, ông Tom Bossert, một cố vấn an ninh nội địa của Tổng thống Donald Trump, cho biết hiện nước này đã kiểm soát được cuộc tấn công mạng do loại mã độc WannaCry gây ra.
Trao đổi với hãng tin ABC, ông Bossert nhận định WannaCry là "một mối đe dọa cực kỳ nghiêm trọng" khi nó có thể tự phát tán trên quy mô lớn bằng cách lợi dụng một lỗi phần mềm trong hệ điều hành Windows XP của Microsoft. Trước ý kiến cho rằng các lỗ hổng trong các tài liệu bị rò rỉ của Cơ quan An ninh quốc gia Mỹ (NSA) hồi tháng trước là căn nguyên của vụ tấn công mạng lan rộng khắp nơi trên thế giới này, ông Bossert nhấn mạnh chính "những kẻ tội phạm" phải chịu trách nhiệm cho vụ việc trên chứ không phải Chính phủ Mỹ. Quan chức này cũng cho biết, Mỹ không loại trừ khả năng có sự tham gia của một chính phủ nước ngoài trong vụ tấn công mạng quy mô lớn này.
Làn sóng tấn công hơn 75.000 máy tính tại 150 nước trên toàn thế giới bằng virus WannaCry hồi cuối tuần qua đã làm tê tiệt hệ thống máy tính của các ngân hàng, bệnh viện, trường học... theo đó, người sử dụng mạng sẽ không thể truy cập dữ liệu trừ phi đồng ý trả cho tin tặc một khoản tiền ảo Bitcoin, trị giá từ 300-600 USD.
Nhằm đối phó với làn sóng tấn công trên, cảnh sát quốc gia Indonesia đã thành lập một lực lượng đặc nhiệm giúp khôi phục các hệ thống máy tính bị nhiễm virus tống tiền WannaCry sau khi 2 bệnh viện lớn của nước này trở thành mục tiêu bị tấn công. Người đứng đầu Cục tội phạm mạng thuộc Đơn vị Điều tra Cảnh sát quốc gia, Chuẩn tướng Fadil Imran cho biết, Indonesia đã thành lập một đội ứng phó khẩn cấp với Bộ Thông tin và Truyền thông cùng các cơ quan khác nhằm khôi phục các hệ thống máy tính. Bên cạnh đó, cảnh sát Indonesia cũng đang đang hợp tác với cảnh sát các nước trong đó có Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI), Anh nhằm tìm ra thủ phạm.
Mặc dù mã độc WannaCry đã gây ảnh hưởng tới khoảng 200.000 máy tính trên thế giới, song chỉ rất ít máy tính ở Phần Lan nhiễm mã độc này. Trưởng nhóm nghiên cứu của công ty an ninh máy tính F-Secure Jarmo Niemela cho biết một vụ tấn công tương tự đã xảy ra vào năm 2003, do đó, các biện pháp được Phần Lan áp dụng năm 2003 đã phát huy tác dụng. Bài học rút ra từ sự kiện này là cần tiếp tục duy trì các biện pháp bảo vệ cơ bản dù việc này tiêu tốn thêm chi phí hàng ngày.