Các đại sứ của Thụy Điển và Phần Lan đệ đơn xin gia nhập NATO lên Tổng thư ký liên minh Jens Stoltenberg ở Brussels, Bỉ, ngày 18/5. (Nguồn: NATO) |
Theo thông báo của Bộ Quốc phòng Phần Lan ngày 18/5, Helsinki và Stockholm sẽ tăng cường hợp tác mua sắm quốc phòng thông qua việc Phần Lan tham gia thỏa thuận mua vũ khí chống tăng từ hãng sản xuất vũ khí Saab Dynamics của Thụy Điển.
Thỏa thuận này mở đường cho các thương vụ mua sắm các loại tên lửa, súng trường không giật, đạn dược và các loại thiết bị liên quan khác.
Bộ trưởng Quốc phòng Phần Lan Antti Kaikkonen đã thông qua công tác chuẩn bị cho hợp đồng mua chung các loại súng cầm tay cỡ nhỏ, bao gồm súng trường tấn công, súng bắn đạn ghém và súng bảo vệ cá nhân.
Liên quan việc gia nhập NATO, cùng ngày, Tổng thống Mỹ Joe Biden bày tỏ lạc quan về triển vọng thành công trong nỗ lực của Phần Lan và Thụy Điển, bất chấp những tuyên bố phản đối từ phía một đồng minh quan trọng trong khối là Thổ Nhĩ Kỳ.
Dùng từ “lịch sử” để đánh giá về quyết định của 2 quốc gia Bắc Âu, ông Biden tuyên bố: “Mỹ sẽ phối hợp với Phần Lan và Thụy Điển duy trì cảnh giác trước bất kỳ mối đe dọa nào đối với an ninh chung, cũng như răn đe và đương đầu với hành vi gây hấn hoặc đe dọa gây hấn trong lúc đơn xin gia nhập của họ đang được xem xét”.
Đây là phản ứng của ông Biden sau câu hỏi của các phóng viên về cách thức mà Washington sẽ thuyết phục Ankara từ bỏ lập trường phản đối Helsinki và Stokholm trở thành thành viên của NATO.
Trong một tuyên bố trước đó cùng ngày, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã nhắc lại lời cảnh báo sẽ không chấp thuận để hai nước Bắc Âu gia nhập NATO, nếu Thụy Điển không dẫn độ 30 “phần tử khủng bố” theo yêu cầu của Ankara.
Thổ Nhĩ Kỳ cáo buộc Phần Lan và Thụy Điển chứa chấp những “phần tử khủng bố”, vốn là thành viên của các tổ chức bị Ankara coi là “ngoài vòng pháp luật” hoặc “tổ chức khủng bố” như đảng Công nhân người Kurd (PKK), Các Đơn vị bảo vệ nhân dân người Kurd (YPG).
Liên quan vấn đề của Thổ Nhĩ Kỳ, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho biết, nước này và Ankara sẽ từng bước xử lý việc Thụy Điển và Phần Lan xin gia nhập NATO với tư cách là các đồng minh và đối tác.
Theo ông Blinken, Washington và Ankara có nhiều vấn đề trong chương trình nghị sự song sẽ "tiếp tục củng cố và xây dựng mối quan hệ kinh tế và quan hệ đối tác Mỹ-Thổ Nhĩ Kỳ”.