Hình ảnh buổi Hội đàm giữa Thủ tướng ba nước Việt Nam, Campuchia và Lào từ đầu cầu Việt Nam. (Ảnh: Tuấn Anh) |
Đây cũng là dịp để ba nước cùng trao đổi quan điểm, bàn phương hướng tăng cường hợp tác trong phòng chống dịch Covid-19 và phục hồi sau dịch; hợp tác kinh tế, kết nối; hợp tác an ninh - quốc phòng; tăng cường phối hợp về một số vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm; qua đó củng cố tình đoàn kết, gắn bó giữa Việt Nam-Lào-Campuchia, góp phần duy trì cơ chế gặp gỡ, trao đổi thường xuyên giữa Thủ tướng ba nước.
Từ năm 2016, thực hiện thỏa thuận giữa các Lãnh đạo cấp cao, ba nước đã thường xuyên phối hợp tổ chức các cuộc gặp giữa ba Thủ tướng nhân dịp cùng dự các hội nghị đa phương để tăng cường gắn kết và trao đổi về hợp tác giữa ba nước cũng như các vấn đề cùng quan tâm.
Trong năm 2020, do đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, tất cả các hội nghị cấp cao bị hoãn, hủy hoặc chuyển sang hình thức trực tuyến, khiến ba nước chưa tổ chức được cuộc gặp trực tiếp giữa ba thủ tướng.
Việc tổ chức hội đàm trực tuyến lần này thể hiện sự mong muốn của chính phủ ba bên trong việc duy trì một hoạt động trở thành truyền thống tốt đẹp giữa ba nước.
Gần đây nhất, vào tháng 12/2020, Thủ tướng ba nước đã cùng chủ trì Hội nghị Cấp cao Khu vực Tam giác phát triển (TGPT) Campuchia-Lào-Việt Nam (CLV) lần thứ 11 theo hình thức trực tuyến. Tại Hội nghị, các Thủ tướng đã chỉ đạo Ủy ban điều phối chung tích cực triển khai một số nội dung cụ thể như: Xây dựng Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội khu vực TGPT CLV giai đoạn 2021-2030; xây dựng các chương trình, kế hoạch và dự án cụ thể để thực hiện Kế hoạch kết nối ba nền kinh tế Campuchia, Lào, Việt Nam đến 2030; thực hiện hiệu quả Kế hoạch phát triển du lịch khu vực TGPT CLV giai đoạn 2020-2025 tầm nhìn 2030 được thông qua tại Hội nghị, nâng cao hiểu biết về mô hình “Ba quốc gia, một điểm đến” và thúc đẩy du lịch bền vững…
Khu vực TGPT CLV thành lập năm 1999, với mục tiêu tăng cường đoàn kết và hợp tác nhằm đảm bảo an ninh, ổn định chính trị, xóa đói giảm nghèo và phát triển kinh tế - xã hội trong khu vực; tập trung hợp tác trong các lĩnh vực: an ninh - đối ngoại, giao thông vận tải, công nghiệp, nông nghiệp, thương mại, đầu tư, các lĩnh vực xã hội và bảo vệ môi trường…
Việt Nam đã có nhiều đóng góp tích cực vào việc thúc đẩy hợp tác trong cơ chế CLV, nhất là mở rộng quy mô hợp tác Tam giác phát triển, cùng Lào và Campuchia xây dựng Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2010-2020.
Là nền kinh tế nổi bật trong khu vực, Việt Nam đã thể hiện vai trò chủ động dẫn dắt trên tinh thần hợp tác bình đẳng, coi trọng tình nghĩa, truyền thống hợp tác giữa nhân dân ba nước anh em. Hội đàm trực tuyến giữa ba Thủ tướng lần này là dịp thuận lợi để Việt Nam củng cố tình đoàn kết, gắn bó giữa Việt Nam, Lào và Campuchia, trao đổi định hướng tăng cường hợp tác giữa ba nước trong thời gian tới.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hội đàm trực tuyến với Thủ tướng Lào và Thủ tướng Campuchia. (Ảnh: Tuấn Anh) |
Tài sản vô giá
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Campuchia Hun Sen và Thủ tướng Lào Thongloun Sisoulith đánh giá cao ý nghĩa của cuộc Hội đàm cấp cao trực tuyến lần này theo sáng kiến của Thủ tướng Campuchia Hun Sen; giúp duy trì, củng cố quan hệ hữu nghị truyền thống giữa Việt Nam-Lào-Campuchia nói chung và Lãnh đạo cấp cao ba nước nói riêng.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chúc mừng những thành tựu mà mà Chính phủ, nhân dân Lào và Campuchia đạt được trong phòng chống dịch bệnh Covid-19, phát triển kinh tế xã hội thời gian qua; cảm ơn Lãnh đạo hai nước đã dành những lời chúc mừng tốt đẹp cho thành công của Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng chúc mừng thành công của Đại hội Đảng nhân dân cách mạng Lào lần thứ XI và cuộc bầu cử Quốc hội Lào vừa qua.
Thủ tướng nhấn mạnh nhờ quyết liệt thực hiện “nhiệm vụ kép” - chống dịch song hành cùng phát triển kinh tế, Việt Nam đã duy trì được ổn định vĩ mô, đạt mức tăng trưởng gần 3% trong năm 2020, cơ bản kiểm soát được đợt lây nhiễm Covid-19 thứ ba, khẳng định quyết tâm thực hiện thắng lợi “Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030, tầm nhìn 2045”.
Thủ tướng Lào và Campuchia đánh giá cao các thành tựu phát triển kinh tế xã hội và kiểm soát dịch bệnh của Việt Nam; đồng thời thông báo một số nét nổi bật về tình hình Lào và Campuchia hiện nay và phương hướng lớn cho công cuộc xây dựng và phát triển đất nước trong thời gian tới.
Hiện thương mại hai chiều giữa Việt Nam - Lào đạt gần 1 tỷ USD, trong khi trao đổi thương mại giữa Việt Nam-Campuchia đã vượt 5 tỷ USD. Về đầu tư, tại Lào, Việt Nam có hơn 400 dự án với tổng giá trị vốn đăng ký là 4,22 tỷ USD, xếp thứ ba chỉ sau Trung Quốc và Thái Lan. Tại Campuchia, Việt Nam hiện có 186 dự án với tổng vốn đăng ký là 2,76 tỷ USD, là một trong năm nhà đầu tư lớn nhất tại nước này. |
Đẩy mạnh hợp tác
Về quan hệ hợp tác, ba Thủ tướng đánh giá cao các thành tựu hợp tác lẫn nhau trong lĩnh vực chính trị, an ninh, quốc phòng, quản lý biên giới, kinh tế, thương mại, đầu tư, giáo dục dào tạo; đồng thời nhấn mạnh ý nghĩa của việc đẩy mạnh giáo dục thế hệ trẻ về truyền thống quan hệ hữu nghị đặc biệt giữa ba nước.
Thủ tướng ba nước nhất trí tiếp tục duy trì và phát huy hiệu quả các cơ chế hợp tác; đẩy mạnh hợp tác, giao lưu giữa 13 địa phương giáp biên; triển khai hiệu quả các thỏa thuận về quản lý biên giới; tăng cường phối hợp đảm bảo an ninh biên giới chung, phòng chống tội phạm xuyên quốc gia; đẩy mạnh triển khai Kế hoạch kết nối ba nền kinh tế CLV đến 2030, trong đó chú trọng hợp tác, tranh thủ nguồn lực từ các đối tác phát triển để phát triển các tuyến đường cao tốc Hà Nội - Vientiane, đường sắt Vientiane - Vũng Áng và đường sắt TP. Hồ Chí Minh - Phnom Penh; thúc đẩy xây dựng chợ biên giới và các trung tâm phân phối, trung chuyển hàng hóa giữa ba nước.
Thủ tướng ba nước cũng nhất trí tiếp tục đẩy mạnh hợp tác, hỗ trợ nhau trong phòng chống đại dịch Covid-19; tiếp tục tạo điều kiện thông quan thuận lợi cho người và hàng hóa qua các cửa khẩu biên giới, cũng như các hoạt động hợp tác đầu tư; nhất trí phối hợp thúc đẩy khả năng tiếp cận vaccine của các nước đang phát triển; triển khai hiệu quả các sáng kiến liên quan được thông qua trong khuôn khổ ASEAN 2020, trong đó có Kho dự phòng vật tư y tế khẩn cấp của ASEAN và Hành lang đi lại ASEAN.
Ba vị Thủ tướng đánh giá cao quan hệ hợp tác hiệu quả giữa ba nước tại các diễn đàn tiểu vùng, khu vực và quốc tế thời gian qua, khẳng định cam kết cùng các nước thành viên khác đẩy mạnh tiến trình xây dựng Cộng đồng ASEAN, phối hợp thúc đẩy hợp tác tiểu vùng trong ASEAN, cũng như gắn kết hợp tác Mekong với các chiến lược, kế hoạch hợp tác của ASEAN.
Lào và Campuchia chúc mừng Việt Nam đảm nhiệm thành công vai trò Chủ tịch ASEAN 2020, cũng như tiếp tục đảm nhiệm thành công vai trò Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021. Việt Nam khẳng định ủng hộ Campuchia tổ chức thành công Hội nghị Thượng đỉnh GMS 7 (dự kiến trong tháng 3/2021), hoàn thành tốt vai trò Chủ tịch Hội nghị Cấp cao ASEM 13 (dự kiến cuối năm 2021) và Lào đảm nhiệm thành công cương vị Chủ tịch ACMECS trong năm 2021-2022.
Trao đổi về các vấn đề khu vực cùng quan tâm, ba Thủ tướng chia sẻ mong muốn Myanmar sớm ổn định, giải quyết bất đồng thông qua đối thoại hòa bình, vì lợi ích của Myanmar, vì môi trường hòa bình, ổn định ở khu vực; đồng thời nhất trí tiếp tục ủng hộ vai trò trung tâm và các nỗ lực của ASEAN.
Ba Thủ tướng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình, ổn định ở Biển Đông; nhất trí phối hợp xây dựng một COC thực chất, hiệu quả, phù hợp với luật pháp quốc tế; nhất trí tiếp tục tăng cường hợp tác trong quản lý và sử dụng bền vững nguồn nước sông Mekong, phối hợp xử lý thỏa đáng các vấn đề liên quan đến phát triển thủy điện trên dòng chính và tăng cường nghiên cứu hợp tác phát triển năng lượng sạch, năng lượng tái tạo.
Cuộc hội đàm diễn ra trong bầu không khí thân tình, cởi mở, thực chất. Kết thúc hội đàm, ba Thủ tướng nhất trí giao các Bộ, ngành, địa phương liên quan triển khai các kết quả quan trọng đạt được tại cuộc hội đàm lần này, giúp tăng cường hữu nghị và không ngừng nâng cao hiệu quả hợp tác ba nước Việt Nam-Lào-Campuchia.