Ông Ngô Điền, Thủ tướng Ấn Độ Neru, ông Trần Văn Luân tại Hội nghị Châu Á về Indonesia ở New Dehli (1949). |
Sau Tết Mậu tuất (1948) không lâu, tôi được cấp trên chỉ định tham gia một đoàn công tác ra nước ngoài. Anh Trường Chinh (Tổng Bí thư lúc đó) triệu tập chúng tôi lại căn dặn: Ra ngoài làm theo thư Bác Hồ (Thư Bác được anh Nguyễn Minh cất giữ), nếu có điều kiện thì đi học thêm ở nước bạn, học môn gì cần cho đất nước hiện nay và mai sau. Tổng Bí thư nói vậy nhưng cấp trên trực tiếp của chúng tôi ở Cục Chính trị và Bộ Tổng tư lệnh thì chưa có ý kiến gì. Tôi vẫn tiếp tục công việc ở tòa báo Vệ quốc quân. Theo định kỳ, tôi vẫn đến chỗ anh Văn (Võ Nguyên Giáp) để nhận chỉ thị về phương hướng tờ báo trong thời gian tới. Anh Văn không đả động gì đến chuyện tôi ra nước ngoài. Trong lúc làm việc đó, có điện thoại anh Trường Chinh nói trực tiếp với anh Văn. Hai người trao đổi rất lâu, sau khi kết thúc, anh Văn quay sang tôi, nói Trung ương đã quyết định, tôi quay về chuẩn bị lên đường.
Hành trình đoàn chúng tôi gồm hai giai đoạn: Giai đoạn đầu từ Việt Bắc về đồng bằng, vượt qua khu địch chiếm ở Liên khu III để vào Liên khu IV, điến Sịa (?) là nơi đóng liên khu Ủy. Nghỉ chuẩn bị, đến giai đoạn hai đi Đô Lương, Bunaphao, vượt Trường Sơn, xuyên Lào sang Thái Lan.
Giai đoạn đầu tuy khá vất vả nhưng chẳng thấm vào đâu so với giai đoạn hai. Đoàn chúng tôi gồm có một số đồng chí mà tôi còn nhớ tên, đó là Lê Đức Chỉnh, Nguyễn Chương, Nguyễn Minh, Song Tùng, Hoàng Nguyên, Nguyễn Mai và một số đồng chí khác. Cùng đi bảo vệ có một trung đội Vệ quốc quân. Mỗi người được phân mang theo khoảng 1kg vàng, một tượng 7kg gạo, 2 ống bương thịt bò khô và muối tiêu. Cá nhân tôi phải tính toán mang cái tối cần thiết, bỏ lại một số áo quần, đốt đi những bức thư từ, ảnh, kỷ niệm đã ky cóp giữ gìn qua những năm kháng chiến. Nặng nhất vẫn là "cô bảy", tức 7kg gạo trên người để nuôi sống mình trong những ngày vượt Trường Sơn. Tôi chỉ còn nhớ hai câu thơ trong bài thơ tôi vịnh "cô bảy" lúc bấy giờ:
Hăng hái đoàn trai vượt xứ Lào
Mối tình Cô bảy đẹp làm sao!
"Cô bảy" càng đè nặng khi bắt đầu leo dốc vượt Trường Sơn. Nhìn lên chỉ thấy mây mù trắng xóa. Đến chỗ có mây đó, nghỉ một lúc, nhìn lên lại thấy mây mù trắng xóa… Cứ thế đi hết ngày này qua ngày khác, tối lại dọn một góc rừng tương đối bằng phẳng, nấu cơm ăn, đánh một giấc để sáng mai đi tiếp. Tôi là người gầy yếu nhất trong đoàn, anh em thương tình lấy "cô bảy"của tôi dùng nấu bữa cơm đầu tiên nên hôm thứ hai tôi đã nhẹ gánh được một nửa rồi.
Đến ngày thứ ba hoặc thứ tư gì đó, chúng tôi đến đỉnh Trường Sơn, sườn bên Đông sương mù ẩm ướt, sườn bên Tây khô ráo, nắng vàng rực rỡ. Một cảnh tượng đẹp tuyệt vời luôn còn in đậm trong tâm trí tôi. Dưới nương là những khoảng đồng trồng cây thuốc phiện với những nụ hoa màu sắc tươi thắm…
Ngày thứ 8 (hay 9?) là ngày cuối chặng đường xuyên nước Lào. Chúng tôi không đi ban ngày mà nghỉ lại trong rừng để tối vượt qua đoạn đường hơn 20km dẫn đến bờ sông Mekong. Xẩm tối, đoàn lên đường có một người Lào hướng dẫn. Ra khỏi rừng thì trời tối mịt, người sau nhìn bóng người trước mà lần bước. Đến khuya, có lệnh dừng lại. Người dẫn đường mất phương hướng, không biết đi đường nào. Anh Hai Xô, người phụ trách cả đoàn bảo chúng tôi nghỉ yên tại chỗ, còn anh ấy và một vài tay súng đi vào bản người Lào tìm người dẫn đường ra bờ sông. Chúng tôi ngồi xuống thảm cỏ, dựa lưng vào ba-lô và ngủ ngay một giấc. Lúc được gọi dậy, chúng tôi theo lệnh anh Hai Xô xếp thành hàng ngang. Anh Hai Xô càu nhàu: Ba lô của ai đây? Sao để trên đường thế này? Mỗi người chỉ có một ba lô trên vai mà cũng không biết giữ lấy. Nói xong, anh đi kiểm tra ba-lô của từng người… Bỗng anh nói to: "Thôi chết! Đó là ba-lô của tôi".
Đoàn người tiếp tục đi hối hả. Đến bờ sông thì trời hửng sáng, không thể qua sông được. Một chiến sĩ được cử ôm phao lội qua bờ bên kia bắt liên lạc. Cả đoàn đi vào một khu rừng ven sông, lặng lẽ nghỉ một ngày, đến tối hẳn mới ra bến. Ở đó, một số xuồng con của kiều bào đã chờ sẵn. Mỗi người bước xuống xuồng được phát một gói xôi thịt kho còn nóng ấm. Chưa bao giờ trên đời lại có bữa xôi ngon như vậy.
Sang đất Thái, chúng tôi được đưa về một làng ven sông gọi là Bùng Càn, phân thành từng nhóm ở nhà kiều bào. Khoảng hai ba tuần sau, chúng tôi được đưa về Nong Khai, rồi sau đó đáp xe lửa đi Bangkok.
Ngô Điền