Theo đại diện một số doanh nghiệp, ngay cả tại một trong những khu vực năng động nhất của kinh tế Trung Quốc - Khu vực Vịnh Lớn (gồm Hong Kong, Macau và 9 thành phố lớn phía Nam), nhiều công ty nước ngoài đã bắt đầu từ bỏ kế hoạch mở rộng, thu hẹp hoạt động.
Tace Chen, Giám đốc điều hành cấp cao của một công ty tư vấn Nhật Bản ở Quảng Châu, cho biết: “Các công ty Nhật Bản và nhiều công ty nước ngoài khác đang giảm quy mô hoạt động ở Trung Quốc".
Bất chấp những cam kết của Bắc Kinh sẽ đưa Khu vực Vịnh Lớn trở thành một cụm siêu đô thị ở miền Nam, nơi những nhà đầu tư nước ngoài tham gia có thể được hưởng nhiều ưu đãi thì những trở ngại từ chính sách Zero Covid đã làm chậm những nỗ lực này.
“Chúng tôi sẽ không rời thị trường Trung Quốc nhưng đang dần thiếu động lực để tăng cường đầu tư”, ông Chen cho hay.
Đứng trước những bất ổn và thách thức của nền kinh tế Trung Quốc, nhiều doanh nghiệp nước ngoài lựa chọn hạn chế mở rộng đầu tư. (Nguồn: SCMP) |
Thách thức bủa vây
Không chỉ chính sách Zero Covid, các yếu tố địa chính trị khác như xung đột Nga-Ukraine, vấn đề Đài Loan…cũng mang lại nhiều thách thức cho Trung Quốc trên nhiều phương diện, đồng thời giảm sức hấp dẫn của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới trong mắt các nhà đầu tư nước ngoài.
Joerg Wuttke, Chủ tịch Phòng Thương mại Liên minh châu Âu tại Trung Quốc chia sẻ: “Một loạt những diễn biến khó lường về địa chính trị đang gây tác động bất lợi đến hoạt động kinh doanh. Ví dụ, 1/3 các doanh nghiệp châu Âu cho rằng, Trung Quốc đã trở nên kém hấp dẫn hơn sau xung đột Nga-Ukraine”.
Tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc trong quý II/2022 chỉ đạt 0,4% do tác động từ các biện pháp phong tỏa để phòng dịch Covid-19 tại nhiều thành phố lớn như Thượng Hải, Bắc Kinh.
Theo ông Wuttke, các công ty nước ngoài đang đánh giá tác động của lệnh phong tỏa và cuộc xung đột Nga-Ukraine đến các hoạt động của họ trên toàn cầu và tính đến phương án rút khỏi thị trường Trung Quốc như đã từng tháo chạy khỏi Moscow.
Một cuộc khảo sát thường kỳ hàng năm của Hội đồng Kinh doanh Mỹ-Trung Quốc cho thấy, các tập đoàn Mỹ ở Trung Quốc đang ở chế độ “chờ đợi, xem xét” và không có kế hoạch mới nào trong 12 tháng tới.
Cuộc khảo sát cũng cho thấy mức độ lạc quan thấp kỷ lục về điều kiện kinh doanh ở Trung Quốc khi nhiều doanh nghiệp Mỹ bi quan vì tiêu thụ nội địa yếu, chuỗi cung ứng bị gián đoạn và quan hệ song phương căng thẳng.
Tommy Wu, chuyên gia kinh tế hàng đầu về Trung Quốc tại Oxford Economics, cho biết các yếu tố bên trong và bên ngoài đang ảnh hưởng rõ ràng đến quyết định đầu tư của các công ty đa quốc gia tại Trung Quốc.
“Điều này có nghĩa là các công ty sẽ cẩn thận hơn, họ sẽ không bỏ tất cả trứng vào một giỏ thông qua chiến lược Trung Quốc+1”, ông nói và lưu ý nhiều nhà đầu tư nước ngoài vẫn đang nhắm đến nhiều khu vực khác ngoài Trung Quốc.
Các số liệu gần đây nhất cho thấy đầu tư từ Mỹ giảm 23,8% vào năm 2020, so với 10 năm trước đó và đầu tư từ Liên minh châu Âu (EU) giảm 11,8% vào năm 2020 so với năm 2019.
Alfonso Ballesteros, người sáng lập công ty tư vấn Crossbow có trụ sở tại Hong Kong (Trung Quốc), chuyên gia tư vấn cho các công ty đầu tư vào Khu vực Vịnh Lớn chia sẻ, các biện pháp phòng chống dịch đã gây khó khăn đáng kể cho các công ty nước ngoài. “Điều này khiến làn sóng đầu tư hạ nhiệt. Một số dự án bị đình chỉ, một số khác buộc phải hủy bỏ”.
Tuy nhiên, Liu Wei, một đối tác tại công ty luật Pinsent Masons ở Thượng Hải cho rằng, đối với các công ty đa quốc gia có nhu cầu mạnh mẽ ở Trung Quốc hoặc quan tâm đặc biệt đến việc mua lại năng lực sản xuất, công nghệ hoặc kênh phân phối, quyết định đầu tư của họ không bị ảnh hưởng quá nhiều.
Vẫn là thị trường "béo bở"
Các nhà chức trách đang nỗ lực triển khai các biện pháp để cải thiện niềm tin của nhà đầu tư và lấy lại hình ảnh Trung Quốc như một điểm đến đầu tư hấp dẫn.
Sun Xiao, Tổng thư ký của Hội đồng Xúc tiến Thương mại quốc tế Trung Quốc, lưu ý, nửa đầu năm nay, đầu tư của EU vào Trung Quốc tăng 15% so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi nhiều công ty như BMW, Audi và Airbus tiếp tục mở rộng hoạt động.
Hội đồng cũng trích dẫn cuộc khảo sát được công bố vào tuần trước, tập hợp phản hồi từ 160 công ty đa quốc gia châu Âu. Kết quả cho thấy, 65% quyết định duy trì quy mô hoạt động sản xuất, 15% giảm quy mô và chỉ 1% cho biết sẽ rời khỏi Trung Quốc.
Lu Jinyong, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Đầu tư trực tiếp nước ngoài của Đại học Kinh doanh Quốc tế và Kinh tế Trung Quốc cho biết, nền kinh tế thứ hai thế giới vẫn là một thị trường "béo bở" cho các công ty nước ngoài.
“Ước tính quy mô của tầng lớp trung lưu sẽ tăng từ 500 triệu lên 800 triệu người vào năm 2030. Điều này mang đến cho Trung Quốc lợi thế cạnh tranh vô cùng lớn để có thể thu hút thêm các nhà đầu tư quốc tế”, ông nói.
Theo thống kê của Bộ Thương mại Trung Quốc, tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của Trung Quốc đã tăng 21,5% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 123,92 tỷ USD trong 7 tháng đầu năm nay, với sự gia tăng dòng vốn đầu tư ổn định từ Hàn Quốc, Mỹ, Nhật Bản và Đức.
Bộ này hy vọng, một loạt "chính sách bình ổn" gần đây sẽ mở rộng đầu tư nước ngoài vào các lĩnh vực như sản xuất công nghệ cao, công nghệ và dịch vụ.
“Các công ty châu Âu sẽ không tách rời hoàn toàn khỏi Trung Quốc. Thị trường tỷ dân này đơn giản là quá lớn và tiềm năng đối với các công ty đa quốc gia lớn có đủ nguồn lực”, ông Wuttke nhấn mạnh.