Washington quyết định cấp bom chùm cho Ukraine, Thượng nghị sỹ Mỹ nói về 'cái giá phải trả'. Hình ảnh: Một quả bom chùm nằm trên một cánh đồng ở ngôi làng phía Nam Ouazaiyeh, Lebanon. (Nguồn: CBC News) |
Tổng thống Joe Biden cho biết ông đã "rất khó khăn" khi đưa ra quyết định này.
Nhưng cuối cùng, quyết định vẫn được Washington đưa ra, bất chấp những lo ngại rằng loại vũ khí gây tranh cãi này có thể gây thương vong cho dân thường.
Các vũ khí này sẽ được lấy từ các kho dự trữ của Lầu Năm Góc và cũng sẽ bao gồm xe bọc thép Bradley và Stryker cùng một loạt đạn dược, chẳng hạn như đạn dùng cho lựu pháo và Hệ thống pháo phản lực cơ động cao HIMARS.
Bom chùm được cho là bắn từ lựu pháo 155mm, thường giải phóng một số lượng lớn các quả "bom nhỏ" bên trong, có thể giết chết nhiều sinh mạng trên một khu vực rộng lớn, đe dọa tính mạng dân thường. Những quả bom nhỏ không phát nổ gây nguy hiểm trong nhiều năm sau khi xung đột kết thúc.
Hai thượng nghị sĩ Patrick Leahy và Jeff Merkley của đảng Dân chủ đã gọi quyết định của chính phủ về cung cấp bom chùm cho Ukraine là "sai lầm nghiêm trọng".
Báo Washington Post dẫn lời 2 thượng nghị sĩ trên nhấn mạnh: “Tuy nhiên, Tổng thống (Joe) Biden đã chấp thuận cung cấp bom, đạn chùm cho Ukraine. Đây là sai lầm nghiêm trọng”.
Hai thành viên của đảng Dân chủ cũng lưu ý rằng, để cung cấp bom chùm cho Ukraine, Mỹ sẽ phải trả “một cái giá không thể chịu nổi về đạo đức và chính trị”.
Ngoài ra, quyết định chuyển giao loại vũ khí này cũng sẽ hủy bỏ hàng thập kỷ chính sách của Washington và dẫn đến nhiều bi kịch hơn. Hai thượng nghị sĩ Leahy và Merkley kết luận: “Chúng ta phải tiếp tục cung cấp hỗ trợ quân sự, kinh tế và nhân đạo cho Ukraine, nhưng theo cách xứng đáng với Mỹ”.
Đồng quan điểm với hai Thượng nghị sĩ Mỹ, Tổng Thư ký Liên hợp quốc (LHQ) António Guterres đã lên tiếng phản đối quyết định của Washington cung cấp bom, đạn chùm cho Kiev.
Ngoài ra, bước đi này của Tổng thống Biden còn khiến đồng minh Canada bối rối. Theo các chuyên gia, động thái như vậy nhiều khả năng sẽ làm dấy lên làn sóng chỉ trích từ các đồng minh trong Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và Liên minh châu Âu (EU).
Trước đó, cùng ngày 7/7, các quan chức hàng đầu của Đức đã lên tiếng phản đối kế hoạch của Mỹ. "Tôi đã đọc các tường thuật trên truyền thông. Đối với chúng tôi, với tư cách một quốc gia thành viên, thỏa thuận Oslo sẽ được áp dụng", Reuters dẫn lời Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock phát biểu tại Vienna (Áo), đề cập đến Công ước về Bom chùm (CCM). Công ước này được ký kết tại Oslo, thủ đô Na Uy, vào tháng 12/2008 và có hiệu lực từ tháng 8/2010.
Nga không lập tức bình luận về kế hoạch của Mỹ. Song vào cuối tháng 3, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nga Sergey Ryabkov đã cảnh báo Mỹ về việc gửi bom chùm cho Ukraine, cho rằng động thái này có thể khiến xung đột leo thang.