Abigail Disney (ảnh) là một trong số hơn 100 người kêu gọi các lãnh đạo chính trị và lãnh đạo doanh nghiệp nỗ lực hơn nữa trong việc đảm bảo giới siêu giàu đóng thuế nhiều hơn. (Nguồn: Business Insider) |
Theo nhóm này, giới siêu giàu trên thế giới hiện đang chưa bị buộc phải đóng góp cho nỗ lực hồi phục kinh tế toàn cầu sau đại dịch Covid-19.
Mặc dù hơn 130 quốc gia đã đồng ý với thỏa thuận buộc các công ty lớn đóng mức thuế tối thiểu toàn cầu là 15%, song các triệu phú cho rằng giới siêu giàu vẫn cần phải đóng góp thêm.
Bất chấp cuộc khủng hoảng sức khỏe cộng đồng diễn ra hai năm qua, khối tài sản của giới siêu giàu toàn cầu vẫn tăng mạnh mẽ. Theo thống kê của tổ chức Oxfarm, khối tài sản của 10 người giàu nhất thế giới đã tăng lên 1.500 tỷ USD, tăng 2 lần chỉ trong 2 năm đại dịch.
Những người ký vào thư ngỏ gửi tới WEF, bao gồm người thừa kế công ty giải trí Disney Abigail Disney và nhà đầu tư mạo hiểm Nick Hanauer, kêu gọi các lãnh đạo chính trị và lãnh đạo doanh nghiệp nỗ lực hơn nữa trong việc đảm bảo giới giàu có đóng góp nhiều hơn nữa cho thế giới.
Ở hầu hết các quốc gia, ngoại trừ một số ít ở châu Âu và một số nước Nam Mỹ, người giàu không phải trả thuế hằng năm đối với các tài sản như bất động sản, cổ phiếu hoặc tác phẩm nghệ thuật, vì chúng chỉ bị đánh thuế khi tài sản được bán.
Theo một nghiên cứu do PM cùng Oxfam và các tổ chức phi lợi nhuận khác thực hiện, nếu đánh thuế 2% đối với những người có trên 5 triệu USD và tăng lên 5% đối với các tỷ phú, thì có thể thu về 2.520 tỷ USD.
Con số trên đủ để đưa 2,3 tỷ người trên thế giới thoát khỏi cảnh đói nghèo và đảm bảo chăm sóc sức khỏe và bảo trợ xã hội cho người dân sống ở các quốc gia có thu nhập thấp hơn.
Trong năm 2021, Ngân hàng Thế giới (WB) đã công bố một báo cáo kêu gọi các quốc gia xem xét đánh thuế tài sản để giúp giảm bất bình đẳng, bổ sung ngân sách chính phủ vốn đang bị cạn kiệt bởi các chương trình phòng dịch Covid-19, hỗ trợ phục hồi kinh tế và lấy lại niềm tin của xã hội.