Tại WEF Davos lần thứ 54, các bên tham dự nêu cao tinh thần xuyên suốt là “cởi mở và hợp tác”. Ảnh minh họa. (Nguồn: cnbctv18.com) |
Tiếp theo chủ đề “Hợp tác trong một thế giới bị phân mảnh” của năm 2023, Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF 2024) tại Davos, Thụy Sỹ năm nay chọn chủ đề “Tái thiết niềm tin”.
Đây trở thành sự kiện có quy mô lớn nhất từ sau đại dịch Covid-19, với sự tham dự của gần 100 lãnh đạo cấp cao các nước, tổ chức quốc tế, chuyên gia và khoảng 3.000 lãnh đạo các tập đoàn, doanh nghiệp toàn cầu tới thảo luận về tình hình thế giới – vốn đang được ví như “ngọn lửa đã âm ỉ từ lâu, nhưng giờ đã bùng lên dữ dội”.
“5 tỷ”
Kể từ khi trở thành sự kiện lớn trong những năm 1990 và 2000, diễn đàn WEF Davos đã trở thành biểu tượng của một thế giới không biên giới, nơi các chính trị gia và doanh nhân cùng hướng theo mục tiêu chung là giải quyết những vấn đề cấp thiết mang tính toàn cầu.
WEF Davos 2024 khai mạc trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đối mặt nhiều thách thức, từ căng thẳng địa chính trị, rủi ro lãi suất, đến tiến bộ công nghệ. Báo cáo thường niên mới nhất của Oxfam International về chênh lệch giàu nghèo, trước thềm WEF 2024 gây ấn tượng, bởi cùng trùng hợp một con số “5 tỷ”, nhưng lại phản ánh hai mặt đối lập của xã hội hiện nay.
Theo báo cáo, 5 tỷ người trên thế giới đang nghèo đi - 5 tỷ phú hàng đầu thế giới lại giàu gấp đôi trong 3 năm qua. Theo đó, kể từ năm 2020, tài sản của 5 tỷ phú giàu nhất thế giới gồm CEO Tesla Elon Musk, ông chủ LVMH Bernard Arnault, Jeff Bezos của Amazon, đồng sáng lập Oracle Larry Ellison và tỷ phú đầu tư Warren Buffett đã tăng 114% lên 869 tỷ USD. Hay số liệu từ ILO, WB, Wealth-X và Forbes, chỉ top 1% người giàu nhất thế giới hiện nắm 43% tài sản tài chính toàn cầu.
Đồng thời khi đó, gần 5 tỷ người trên thế giới lại nghèo đi, do lạm phát, xung đột quân sự và biến đổi khí hậu. Với tốc độ hiện tại, thế giới phải mất gần 230 năm mới xóa được nghèo.
Oxfam cũng cho biết, gần 800 triệu công nhân trên thế giới hưởng mức lương trong hai năm qua không theo kịp lạm phát. Điều này khiến họ mất trung bình 25 ngày thu nhập mỗi năm. Trong 1.600 doanh nghiệp lớn nhất thế giới, chỉ 0,4% công khai cam kết bảo đảm lương của công nhân đủ sống, đồng thời có hỗ trợ cho người lao động.
Báo cáo cho thấy, trong 10 công ty niêm yết lớn nhất thế giới, bảy doanh nghiệp có CEO hoặc một cổ đông lớn là tỷ phú. Hôm 15/1, họ kêu gọi các chính phủ kiềm chế quyền lực của các doanh nghiệp, bằng cách chia nhỏ công ty, đánh thuế lợi nhuận bất thường, thuế tài sản và đưa ra nhiều biện pháp về kiểm soát cổ phần.
Oxfam ước tính 148 doanh nghiệp hàng đầu đã thu về 1.800 tỷ USD lợi nhuận, tăng 52% trong ba năm qua. Điều này giúp các cổ đông được trả khoản tiền khổng lồ, dù hàng triệu công nhân đối mặt với khủng hoảng chi phí sinh hoạt.
Theo phân tích của Giám đốc tạm quyền của Oxfam Amitabh Behar “Sự bất bình đẳng này không phải ngẫu nhiên. Nhóm tỷ phú đang khiến các doanh nghiệp mang lại cho họ nhiều tài sản hơn, trên công sức của những người khác”.
Tìm lối thoát cho thế giới
Tiếp tục truyền thống hơn bốn thập kỷ qua, kể từ năm 1971, tại Davos - một thị trấn xinh đẹp trên dãy Alps của Thụy Sỹ, WEF Davos lần thứ 54 hội tụ giới tinh hoa của thế giới sẽ nêu cao tinh thần xuyên suốt là “cởi mở và hợp tác”. Đây cũng chính là kỳ WEF đầu tiên thực sự trở lại, khi thế giới lại có thể tập trung bàn về tăng trưởng, thay vì chỉ nói đến phục hồi kinh tế hay chu kỳ kinh doanh.
Giới phân tích nhận định, Hội nghị lần này rất quan trọng khi các nền kinh tế và nhỏ hơn nữa là doanh nghiệp đang đối mặt với môi trường phức tạp. Bối cảnh chi phối toàn bộ chương trình nghị sự năm nay là tăng trưởng toàn cầu chậm lại trong khi nhiều nền kinh tế còn vật lộn với lãi suất cao, rủi ro trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị và hậu quả của đại dịch, biến đổi khí hậu, bất ổn về kinh tế vĩ mô và tiến bộ công nghệ làm thay đổi ngành sản xuất và dịch vụ.
Giám đốc điều hành WEF Jeremy Jurgens dự báo, tăng trưởng toàn cầu năm 2024 đạt 2,9%. “Ít nhất thì kinh tế đang đi lên. Nhưng lẽ ra, tốc độ này đã có thể cao hơn nhiều”, ông Jeremy Jurgens nhận định. Trong đó, điểm mới năm nay là sự tăng vọt về thành viên tham gia của hai khu vực Mỹ Latinh và châu Á, thể hiện một “sự chuyển dịch lớn trong kinh tế toàn cầu”.
Hai cuộc xung đột quân sự lớn và khủng hoảng vận tải biển đồng nghĩa các cuộc thảo luận năm nay sẽ rất sôi động. Chủ tịch điều hành WEF Borge Brende cho biết, trọng tâm của hội nghị lần này sẽ là các cuộc thảo luận cấp cao về chiến sự tại Trung Đông, xung đột tại Ukraine và châu Phi. Ông nhấn mạnh, “Chúng tôi muốn đưa những người liên quan đến gần nhau hơn, để xem chúng ta có thể giải quyết các vấn đề đầy thách thức này như thế nào”.
Để AI mang lại lợi ích cho nhân loại
Theo IMF, gần 40% việc làm trên toàn thế giới có thể bị ảnh hưởng bởi sự phát triển của trí tuệ nhân tạo (AI). Trước thềm WEF 2024, Giám đốc IMF Kristalina Georgieva lưu ý, AI sẽ hỗ trợ nhưng cũng gây tổn hại cho lực lượng lao động khi ngày càng được ứng dụng rộng rãi.
Người làm việc văn phòng được cho là có nguy cơ chịu rủi ro hơn lao động chân tay. Các ứng dụng của AI dẫn đến giảm nhu cầu lao động, giảm lương và thu hẹp quy mô tuyển dụng. “Trong những trường hợp cực đoan nhất, một số công việc có thể biến mất”, bà Kristalina Georgieva dự báo.
Các nước phát triển có thể sẽ chịu tác động mạnh hơn. Theo đó, việc làm tại các nước phát triển bị ảnh hưởng bởi AI vào khoảng 60%, các nền kinh tế mới nổi là 40% và các nước nghèo là 26%. Có những nơi chưa xây dựng được cơ sở hạ tầng hoặc lực lượng lao động lành nghề để khai thác lợi ích của AI, làm tăng thêm tình trạng bất bình đẳng theo thời gian. Hoặc trong cùng một nền kinh tế, AI có thể gây ra bất bình đẳng và phân cực về năng suất và thu nhập, giữa người có khả năng tận dụng AI và người không.
Trong hầu hết kịch bản, AI có thể làm trầm trọng thêm tình trạng bất bình đẳng tổng thể, một xu hướng đáng lo ngại mà các nhà hoạch định chính sách phải chủ động giải quyết để ngăn chặn công nghệ gây thêm căng thẳng xã hội.
Tuy nhiên, về lợi ích, theo Goldman Sachs, dù người lao động có thể bị ảnh hưởng nhưng việc áp dụng AI rộng rãi sau cùng có thể giúp tăng năng suất lao động và thúc đẩy GDP toàn cầu tăng 7%/năm trong 10 năm tới. Bài toán đặt ra là, “Phải bảo đảm rằng, AI mang lại lợi ích cho nhân loại bằng chính sự thay đổi vượt bậc”.
Có thể thấy rằng, các vấn đề toàn cầu nóng lên trong một năm qua đang đặt kinh tế thế giới vào một tương lai cần sự hành động cấp thiết của tất cả các quốc gia.
| Không bị 'đánh gục' bởi các cú sốc lớn, kinh tế toàn cầu sẽ tươi sáng hơn? Kể từ năm 2020 đến nay, thế giới liên tiếp đối mặt với những điều bất ngờ, thậm chí là những cú sốc. Bước sang ... |
| Xu thế bất ổn 2024 Thế giới bước vào năm 2024 trong tình trạng bất ổn với những căng thẳng địa chính trị leo thang, gây biến động trên toàn ... |
| Liên hợp quốc bi quan về tốc độ tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2024 Liên hợp quốc (LHQ) dự đoán kinh tế Hàn Quốc sẽ đạt tốc độ tăng trưởng 2,4% trong năm nay, ngang bằng với tốc độ ... |
| Kinh tế thế giới: Kỳ vọng vào năm 2024! Nền kinh tế thế giới vừa đi qua năm 2023 trong tình trạng tốt hơn mong đợi về nhiều mặt. |
| Bên lề WEF Davos 2024: Kinh tế thế giới phục hồi mạnh mẽ; tiền chưa thể giải quyết được ngay vấn đề ở Dải Gaza Ngày 17/1, Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) Kristalina Georgieva cho rằng, nền kinh tế toàn cầu dự kiến có mức tăng ... |