Xung đột Hamas-Israel tiếp tục diễn biến căng thẳng. Bức ảnh được chụp vào ngày 11/10 cho thấy cảnh các tòa nhà bị phá hủy bởi các cuộc không kích của Israel vào trại Jabalia dành cho người tị nạn Palestine ở thành phố Gaza. (Nguồn: AFP) |
Ngày 27/10, Tổng Thư ký Liên hợp quốc (LHQ) Antonio Guterres cảnh báo người dân Gaza đang phải đối mặt với khó khăn chồng chất do thiếu lương thực, nước và điện khi xung đột leo thang tại khu vực này.
Trong tuyên bố, Tổng Thư ký Guterres đã nhắc lại lời kêu gọi ngừng bắn nhân đạo, thả vô điều kiện tất cả con tin và cung cấp nhu yếu phẩm.
Ông nhấn mạnh với tình hình nghiêm trọng như hiện nay, nếu không có sự thay đổi cơ bản và ngay lập tức về cách thức vận chuyển hàng viện trợ, LHQ sẽ không thể tiếp tục đưa hàng cứu trợ vào bên trong Gaza và người dân khu vực sẽ phải đối mặt với một loạt đau khổ chưa từng có.
Theo Tổng Thư ký LHQ, trước xung đột, mỗi ngày có khoảng 500 xe tải chở hàng hóa tới Dải Gaza, nhưng trong những ngày gần đây, con số trung bình giảm xuống chỉ còn 12 chiếc, đi vào từ cửa khẩu biên giới Rafah với Ai Cập. Ngoài ra, hàng cứu trợ vào Gaza không bao gồm nhiên liệu cho các hoạt động của LHQ, vốn đóng vai trò thiết yếu trong việc cấp điện cho các bệnh viện, nhà máy khử nước mặn, sản xuất thực phẩm và phân phối hàng cứu trợ.
Do đó, theo ông, cần điều chỉnh hoạt động của hệ thống xác minh hàng hóa qua cửa khẩu Rafah để các xe tải vào Gaza không bị chậm trễ, đảm bảo tất cả người dân trong khu vực được tiếp cận thực phẩm, nước, thuốc men và nhiên liệu một cách nhanh chóng và an toàn.
Theo Chương trình Lương thực thế giới (WFP), xung đột đã khiến hơn 1,4 triệu người tại Dải Gaza buộc phải rời bỏ nhà cửa, với gần 50% trong số này đang tạm trú trong các trường học do LHQ điều hành.
Giám đốc WFP Samer Abdeljaber khẳng định, hiện không có nơi nào an toàn tại Gaza. Trong khi thực phẩm đang dần cạn kiệt, người dân Gaza cũng gặp khó khăn trong việc tiếp cận điện và nước.
Về y tế, hiện có 23 trong tổng số 35 bệnh viện tại Gaza còn hoạt động một phần, 65% cơ sở khám sức khỏe ban đầu do chính quyền địa phương quản lý và 64% cơ sở do Cơ quan LHQ về cứu trợ người tị nạn Palestine tại vùng Cận Đông (UNRWA) điều hành đã phải đóng cửa.
Trước tình hình này, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) thông báo cần gấp khoảng 80 triệu USD để đáp ứng các nhu cầu nhân đạo ở Bờ Tây và Gaza, đồng thời thực hiện kế hoạch dự phòng cho Ai Cập, Liban, Syria và Jordan từ nay đến hết năm.
Trên mạng xã hội X, Ngoại trưởng Jordan Ayman Safadi cũng cảnh báo việc Israel tấn công trên bộ vào Dải Gaza sẽ dẫn đến hậu quả nhân đạo thảm khốc cho vùng lãnh thổ này trong nhiều năm, đồng thời kêu gọi cộng đồng quốc tế phản đối mạnh mẽ chiến tranh. Ông cũng đánh giá cao việc Đại hội đồng LHQ thông qua nghị quyết kêu gọi Israel và Hamas ngừng bắn ngay lập tức vì mục đích nhân đạo.
Về thương vong do xung đột, tại họp báo ngày 27/10, Đại diện của WHO tại Bờ Tây và Gaza Richard Peeperkorn cho biết, cho đến nay, tổ chức này đã nhận được báo cáo về 7.045 người thiệt mạng bên phía Palestine, trong đó gần 50% là trẻ em và 80.842 người bị thương.
Trong khi đó, phía Israel cho biết các cuộc tấn công của Hamas từ hôm 7/10 đã làm hơn 1.400 người ở Israel thiệt mạng.
* Trong bối cảnh xung đột tiếp tục căng thẳng, ngày 27/10, các nhà lãnh đạo châu Âu đã kêu gọi các bên xung đột tại Dải Gaza tạm ngừng bắn để cho phép hàng hóa viện trợ vào vùng lãnh thổ này thông qua các hành lang nhân đạo.
Tại hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Âu (EU) vừa kết thúc, các nhà lãnh đạo của liên minh 27 thành viên đã thảo luận về xung đột giữa Israel và Hamas. Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel nêu rõ xung đột leo thang ở Gaza là cực kỳ nguy hiểm đối với khu vực cũng như thế giới và EU đang nỗ lực để tránh điều này.
Tuyên bố chính thức được đưa ra sau hội nghị thượng đỉnh nhấn mạnh Hội đồng châu Âu nhắc lại tầm quan trọng của việc bảo vệ tất cả dân thường theo luật nhân đạo quốc tế. Các nhà lãnh đạo cũng cho biết EU “ủng hộ việc sớm tổ chức một hội nghị hòa bình quốc tế”.
Cùng ngày, Nhà Trắng nhấn mạnh Mỹ ủng hộ việc tạm ngừng xung đột giữa Israel và Hamas để cho phép hàng viện trợ vào Gaza, trong bối cảnh Israel thông báo sẽ mở rộng các chiến dịch trên bộ.
Người phát ngôn Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ John Kirby nêu rõ: “Chúng tôi sẽ ủng hộ các lệnh ngừng bắn nhân đạo để đưa hàng hóa vào cũng như đưa người ra ngoài, bao gồm cả việc thúc đẩy cung cấp nhiên liệu và khôi phục nguồn điện”.
Phát biểu với báo giới tại Geneva, ngày 17/10, một quan chức của Chương trình Lương thực thế giới cho biết, các đoàn xe nhân đạo đã đến Gaza kể từ ngày 21/10, nhưng quy mô và tần suất của các đoàn xe này là chưa đủ.
* Nhật Bản, Pháp thúc đẩy vai trò của G7 trong giải quyết khủng hoảng. Theo đó, Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã khẳng định sự cần thiết phải hợp tác với các quốc gia Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7) để góp phần cùng cộng đồng quốc tế giải quyết cuộc xung đột hiện nay giữa Hamas và Israel.
Nhật Bản hiện là nước Chủ tịch luân phiên G7 (gồm các thành viên Anh, Mỹ, Đức, Nhật Bản, Pháp, Canada và Italy).
Theo thông báo của chính phủ Nhật Bản, ngày 27/10, hai nhà lãnh đạo đã tiến hành cuộc điện đàm kéo dài 35 phút, diễn ra nhiều tuần sau khi Hamas phát động cuộc tấn công bất ngờ vào Israel, khiến nhiều quốc gia phải gấp rút sơ tán công dân sống trong khu vực xung đột.
Thủ tướng Kishida và Tổng thống Macron nhất trí hợp tác để bảo vệ công dân của hai nước này ở Trung Đông, trong bối cảnh căng thẳng leo thang.
Trong cuộc điện đàm, Thủ tướng Kishida bày tỏ quan ngại về tình hình nhân đạo của người dân ở Dải Gaza và cam kết sẽ xem xét các biện pháp hỗ trợ nhằm đáp ứng nhu cầu tại đây.