Trụ sở WHO ở Geneva, Thụy Sỹ. (Nguồn: The Online Citizen) |
Gói ngân sách này cũng bao gồm cả việc tăng 20% phí thành viên bắt buộc đối với 194 nước thành viên của WHO.
Gói ngân sách mới được đề xuất lần đầu tiên tại kỳ họp thường niên của Đại hội đồng Y tế thế giới (WHA) vào năm ngoái, khi tất cả các quốc gia thành viên đều nhất trí về một cuộc “đại tu” nguồn tài trợ ổn định và đáng tin cậy hơn của WHO, sau khi bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19.
Trong khuôn khổ WHA lần thứ 76 đang diễn ra tại thành phố Geneva (Thụy Sỹ), các quốc gia thành viên ủy ban chủ chốt đã thông qua ngân sách này với sự ủng hộ tuyệt đối. Tuy nhiên, vẫn cần sự chấp thuận của tất cả các nước thành viên trong kỳ họp kéo dài 10 ngày này.
Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus hoan nghênh sự ủng hộ của các nước, đánh giá đây là một cột mốc quan trọng mang tính lịch sử.
Phần lớn ngân sách hoạt động của WHO là do 194 quốc gia thành viên đóng góp. Trong thời gian qua, phần tài trợ từ phí thành viên bắt buộc - được tính theo sự giàu có và dân số - đã giảm xuống chỉ còn chưa đến 20% ngân sách, trong khi phần còn lại là khoản đóng góp tự nguyện.
Điều này đã khiến WHO bị hạn chế nguồn lực tài chính trong ứng phó với các cuộc khủng hoảng toàn cầu, điển hình là đại dịch Covid-19 và một số trường hợp khẩn cấp về y tế khác.
Năm ngoái, WHA đã đồng ý tăng tỷ lệ phí thành viên trong ngân sách hoạt động của WHO theo từng giai đoạn, cụ thể, ngân sách 2024-2025 sẽ chiếm 20% so với ngân sách 2022-2023 và đến ngân sách 2030-2031 đạt tỷ lệ 50%.
Về phần mình, WHO đã bắt đầu thực hiện 96 cải cách nhằm hướng tới sự minh bạch hơn về tài chính và tuyển dụng, cũng như đóng vai trò trách nhiệm lớn hơn.
Tổng giám đốc Ghebreyesus cho biết, đến nay, tổ chức này đã hoàn tất 42 cải cách và 54 cải cách còn lại đang được triển khai.