Một nhân viên trong bộ đồ bảo hộ kín mít bên ngoài Bệnh viện Trung tâm Vũ Hán, Trung Quốc, ngày 6/2. (Nguồn: AP) |
Tuyên bố được đưa ra sau khi có thông tin cho rằng WHO đã từ bỏ cuộc tìm kiếm này.
“Chúng ta cần tiếp tục thúc đẩy cho đến khi nhận được câu trả lời", ông Tedros Adhanom Ghebreyesus nói với các phóng viên trong cuộc họp báo ngày 14/2 khi đề cập đến việc tìm kiếm nguồn gốc của loại virus bắt đầu lan rộng ở Trung Quốc vào cuối năm 2019.
Việc giải mã bí ẩn về nguồn gốc của virus SARS CoV-2 và cách virus này bắt đầu lây lan giữa người với người được xem là yếu tố sống còn để ngăn chặn các đại dịch trong tương lai.
Hai giả thuyết chính đã được tranh luận sôi nổi, tập trung vào việc virus lây lan tự nhiên từ dơi sang động vật trung gian và sang người, hoặc thoát ra ngoài do sự cố trong phòng thí nghiệm.
Tuy nhiên, trong một bài báo trên trang web Nature, tác giả cho rằng, WHO đã "lặng lẽ gác lại giai đoạn thứ hai của cuộc điều tra khoa học rất được mong đợi về nguồn gốc của đại dịch Covid-19".
Cũng tại cuộc họp báo, chuyên gia đầu ngành của WHO về phản ứng với Covid-19, bà Maria Van Kerkhove, đã giận giữ bác bỏ thông tin này.
Bà cho biết, WHO đã lên kế hoạch cho công việc được thực hiện theo từng giai đoạn, nhưng "kế hoạch đó đã thay đổi",
“WHO đã không từ bỏ việc nghiên cứu nguồn gốc của Covid-19. Chúng tôi đã và sẽ không từ bỏ”, bà nói.
WHO đã tiến hành giai đoạn điều tra đầu tiên bằng cách cử một nhóm chuyên gia quốc tế đến Vũ Hán, Trung Quốc, vào tháng 1/2021 để đưa ra báo cáo giai đoạn đầu, được viết cùng với các đối tác Trung Quốc.
Cũng theo bà Maria Van Kerkhove, trong khi kế hoạch ban đầu là gửi một nhóm thứ hai đến Vũ Hán, WHO đã thay đổi chiến thuật và thay vào đó quyết định thành lập một nhóm các nhà khoa học với phạm vi mở rộng, để điều tra các mầm bệnh mới và nghiên cứu cách ngăn chặn các đại dịch trong tương lai, đồng thời tiếp tục truy tìm nguồn gốc gây ra sự lâylan của Covid-19.